Triển khai mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo lai mô chất lượng

Ngày 4/7, tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình phối hợp Viện Nghiên cứu Lâm sinh triển khai mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng.

Ngày 4/7, tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình phối hợp Viện Nghiên cứu Lâm sinh triển khai mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống chất lượng.

Cán bộ kỹ thuật Viện nghiên cứu Lâm sinh và kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng keo lai giống mới cho các hộ dân xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn.

Cán bộ kỹ thuật Viện nghiên cứu Lâm sinh và kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng keo lai giống mới cho các hộ dân xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn.

Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích 3,1 ha của 2 hộ dân thuộc xóm Bùi Bái, xã Yên Phú. Viện Nghiên cứu Lâm sinh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ hơn 5 nghìn cây keo lai mô chất lượng cho 2 hộ với tổng kinh phí hơn 21 triệu đồng. Viện Nghiên cứu Lâm sinh cũng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và hỗ trợ phân bón trong quá trình thực hiện.

Theo Viện Nghiên cứu Lâm sinh, keo lai mô là giống keo lai được nuôi cấy bằng mô thuộc dòng cây giống chất lượng cao. Ưu điểm có tính đồng đều cao, sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt, đặc biệt năng suất cao gấp 4 - 5 lần so với các giống keo thông thường. Đến tuổi thành thục (cùng chu kỳ canh tác 5 - 10 năm) cho sinh khối trung bình 20 - 25 m3/năm. Ngoài ra, keo lai mô còn có khả năng thích ứng với nhiều lập địa khác nhau. Nếu thời gian nuôi gỗ lớn kéo dài, cây keo có khả năng cố định đạm, cải tạo đất giúp việc sản xuất được lâu dài, bền vững. Vì vậy, phù hợp với phát triển rừng trồng gỗ lớn.

Hiện nay, toàn huyện Lạc Sơn có hơn 12 nghìn ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là keo lai. Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn đã phối hợp với các xã, thị trấn đưa vào trồng hơn 60 ha giống keo lai nuôi cấy mô mới. Với những ưu điểm vượt trội, thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn tiếp tục vận động người dân chuyển đổi sang giống mới để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng.

Đ.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/190919/trien-khai-mo-hinh-trinh-dien-trongrung-go-lon-bang-giong-caykeo-lai-mo-chat-luong.htm