Triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai
Ngày 29/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1654 /UBND-NNTN thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung như sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 301-KH/TU ngày 24/7/2020 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư T.Ư Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các Chỉ thị, Kế hoạch của UBND tỉnh về vấn đề này.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đôn đốc các địa phương rà soát kế hoạch, phương án cụ thể để chủ động trong các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn, lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra tại các địa bàn trọng điểm, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó…
Bộ CHQS tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh trong công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra...
Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các địa phương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn công trình các hồ đập thủy điện, hệ thống điện và các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều, PCTT chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản hạn chế tác động do thiên tai.
Sở GTVT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra phương án bảo đảm ATGT các tình huống thiên tai; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập sâu để bảo đảm ATGT và sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố.
Sở KH&ĐT, Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí từ dự phòng ngân sách tỉnh cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả tại địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ”. Tổ chức kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai lực lượng xung kích cấp xã để thực hiện tốt công tác PCTT…
Đài Khí tượng Thủy văn Hòa Bình tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Tổ chức quan trắc, đo đạc, theo dõi chặt chẽ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và dòng chảy trên các sông phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó…