Triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW: Cần đồng bộ về thể chế, cơ sở pháp lý

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị 'Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' được giới chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đánh giá cao, trong bối cảnh quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đang được triển khai xây dựng. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng.

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, góc nhìn của ông về quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 như thế nào?

TS Đoàn Văn Bình

TS Đoàn Văn Bình

TS Đoàn Văn Bình: Với tư cách là người làm trong ngành khoa học năng lượng, chúng tôi thấy quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 thể hiện rõ được 2 ý rất quan trọng là tính toàn diện và tính cụ thể.

Đầu tiên là, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Đây là nền tảng cho tất cả mọi sự phát triển tiếp theo.

Thứ hai là, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba là, phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng.

Thứ tư là, ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4.

Thứ năm là, việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đưa lên trở thành “quốc sách” quan trọng, là trách nhiệm của toàn xã hội.

PV: Trong Nghị quyết 55, rất nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa, những yêu cầu cũng rất cụ thể, ông nhìn nhận như thế nào về những yêu cầu cụ thể đó?

TS Đoàn Văn Bình: Nghị quyết có 7 mục tiêu rất cụ thể và có 10 nhiệm vụ, giải pháp cũng rất cụ thể, định hướng ngành năng lượng, các phân ngành năng lượng phát triển.

Tính cụ thể trong Nghị quyết tạo nên nhận thức thống nhất từ các cơ quan hoạch định chính sách đến các doanh nghiệp, người dân; tránh việc có những cụm từ, thuật ngữ chung chung dẫn đến những sự hiểu khác nhau, mất tính đồng bộ.

Chúng tôi hy vọng quá trình xây dựng các cơ chế chính sách, chiến lược hoặc các quy hoạch có được sự hiểu biết thống nhất từ khâu xây dựng, ban hành chính sách đến khâu tổ chức thực hiện.

Nghị quyết 55 không chỉ dành riêng cho ngành năng lượng mà liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, mang tính chất bao trùm. Chúng tôi rất mừng là Nghị quyết nói đến các yêu cầu về tổ chức thực hiện, đặc biệt là cấp ủy.

PV: Theo ông, Chính phủ và các bộ, ngành cần phải triển khai như thế nào để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống?

TS Đoàn Văn Bình: Để triển khai thực hiện Nghị quyết 55 có rất nhiều công việc cần phải làm, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một số nhóm vấn đề chính cần thực hiện.

Đầu tiên, chúng ta cần phải đồng bộ về thể chế, cơ sở pháp lý, từ đồng bộ các luật liên quan đến phát triển năng lượng, cho đến việc xây dựng các chiến lược phát triển ngành năng lượng, các phân ngành như điện, than, dầu khí.

Giàn khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Giàn khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Tiếp theo, để cụ thể hóa và triển khai các chiến lược thì phải có các bản quy hoạch, quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia... phù hợp với tinh thần Nghị quyết. Ở đây nhấn mạnh một ý đã được đưa trong Nghị quyết là phải xây dựng được cơ chế và khung pháp lý để đảm bảo cho việc tuân thủ các quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, xử lý nghiêm đối với những dự án chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Chúng ta biết, bài học trong thời gian vừa qua, khi chúng ta làm quy hoạch, nhìn vào bản quy hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, qua rất nhiều cấp, lấy ý kiến của tất cả các địa phương và của các ngành liên quan, tuy nhiên, đến khi chúng ta triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn như không đồng bộ giữa hạng mục này với hạng mục kia, về giải phóng mặt bằng, về địa điểm... Có những dự án phá vỡ cam kết, không huy động được đủ nguồn lực. Chúng ta phải tránh tình trạng quy hoạch thì ghi vào năm này dự án đi vào vận hành, nhưng trên thực tế thì nó lại không hoàn thành tiến độ, vừa mất đồng bộ trong khâu triển khai, vừa không đáp ứng được yêu cầu cung cấp năng lượng, vừa gây thiệt hại cho nhà đầu tư các bên. Để làm được việc đó, chúng ta phải có những chế tài rất là cụ thể.

PV: Thưa ông, cũng có những ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Đảng tầm nhìn đến năm 2045 là một khoảng thời gian khá dài, tuy nhiên chưa nhắc đến một nguồn điện mà chúng ta đã nghiên cứu và có ý định triển khai ở giai đoạn trước là điện hạt nhân. Dưới góc nhìn của ông, vì sao Nghị quyết 55 lại không đề cập đến vấn đề điện hạt nhân ở đây?

TS Đoàn Văn Bình: Tôi nghĩ là có 3 lý do chính để chúng ta chưa đề cập đến điện hạt nhân trong Nghị quyết 55 lần này.

Lý do thứ nhất, có ý nghĩa nhất, là hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ năng lượng tái tạo và các công nghệ khác thì điện hạt nhân ngày càng trở nên đắt đỏ so với các công nghệ năng lượng khác. Đối với Việt Nam thì càng đắt đỏ hơn vì chúng ta phải nhập khẩu hầu hết các công đoạn, từ khâu thiết kế, vật tư thiết bị, xây lắp và vận hành một nhà máy điện hạt nhân. Giá thành sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam vì thế đắt hơn nhiều so với ở những nước họ làm chủ được công nghệ. Như vậy, tính cạnh tranh của điện hạt nhân sẽ không có.

Thứ hai, chúng ta được biết, trên thế giới, nhiều nước đã làm chậm lại quá trình phát triển điện hạt nhân, vì vậy, những tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện hạt nhân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động của mình và không tập trung đầu tư nhiều để phát triển các công nghệ tiên tiến hơn. Việc chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào các tập đoàn công nghiệp điện hạt nhân nước ngoài thì rủi ro rất cao trong quá trình lắp đặt, vận hành và cần phải có bảo dưỡng, thay thế, hoặc các vấn đề đảm bảo an toàn...

Thứ ba, điện hạt nhân liên quan chặt chẽ đến việc đảm bảo an ninh quốc gia. Khi đã là an ninh quốc gia thì chúng ta phải đầu tư và quản lý bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và nó yêu cầu một nguồn ngân sách rất lớn. Phát triển điện hạt nhân như vậy là một sự lựa chọn rất tốn kém, trong khi đó chúng ta có những phương án khác thay thế. Nhiệt điện khí hiện nay chẳng hạn, thế giới đang rất phát triển và các công nghệ của nó cũng ngày càng phát triển. Tôi cho rằng đó là sự lựa chọn thay thế cho điện hạt nhân đối với Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XXI này rất là tốt...

Nghị quyết lần này cũng đã chỉ ra được cả đầu vào của ngành năng lượng là các nguồn sơ cấp và đầu ra là chúng ta sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và dư địa đấy vẫn còn khá lớn. Cùng với đó là cơ cấu lại các ngành kinh tế sao cho sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, tích hợp các giải pháp thì chúng ta chưa cần phải xem xét đến điện hạt nhân và điều đó tránh đi cho đất nước một mối lo thường trực về an toàn, an ninh của điện hạt nhân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Long Nguyễn

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/trien-khai-nghi-quyet-so-55-nqtw-can-dong-bo-ve-the-che-co-so-phap-ly-565036.html