Triển khai nhiệm vụ thu ngân sách ngay từ ngày đầu, tháng đầu

Năm 2021 dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, khiến hàng loạt các doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, công tác thu ngân sách gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, vượt qua tất cả khó khăn, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế nói chung và các cục thuế nói riêng đã bắt tay vào công việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đã được Bộ Tài chính giao.

Ra quân ngay từ ngày đầu, tháng đầu

Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, để triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, ngành Thuế đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ thu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, với quyết tâm cao là tiếp tục hoàn thành dự toán đã được Bộ Tài chính giao.

Tại Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, không khí làm việc những ngày đầu năm mới khá nghiêm túc. Các phòng, các chi cục thuế trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo cục trong triển khai nhiệm vụ, trong đó tập trung triển khai công tác hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường quản lý thu ngân sách ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm.

Ngay từ đầu năm, ngành thuế tập trung triển khai công tác hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Minh Nhật

Ông Vũ Hồng Long - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cho biết, năm 2022 cục thuế được Chính phủ, Bộ Tài chính giao dự toán thu là 3.582 tỷ đồng; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hòa Bình giao là 6.095 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2021. “Để hoàn thành dự toán được giao, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Chúng tôi cũng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn lậu thuế, tập trung kiểm tra thuế tại trụ sơ cơ quan thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; hoàn thành chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra, phấn đấu giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 8% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022” - ông Long nói.

Tìm hiểu tại Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho thấy, ngay sau Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng bắt tay ngay vào công việc. Ông Hà Văn Khoa - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trên cơ sở kết quả đạt được năm 2021 và những thuận lợi, khó khăn đã lường trước, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022” - ông Khoa nói.

Chống thất thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử

Đề cập đến nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế năm 2022, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự toán thu ngân sách được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế năm 2022 là 1.176,7 nghìn tỷ đồng.

Nếu loại trừ một số nguồn phát sinh đột biến năm 2021 và những khoản giảm thu năm 2022, để hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2022 thì thu ngân sách phải tăng khoảng 5,1% so với thực hiện 2021.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Thuế sẽ nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị về thu ngân sách năm 2022. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị thu ngân sách, ngành Thuế tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế trong nước, nuôi dưỡng nguồn thu” - ông Tuấn chia sẻ.

Quản lý thuế trên nền tảng điện tử

Trên cơ sở Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2022 ngành Thuế sẽ đẩy mạnh xây dựng kế hoạch để triển khai thành công Chiến lược cải cách hệ thống Thuế, trọng tâm là thực hiện quản lý thuế trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản: Hoàn chỉnh thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp kinh tế số.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, ngành Thuế tiếp tục duy trì, mở rộng hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, xây dựng hệ thống quản lý thuế tích hợp; cung cấp các dịch vụ thuế số và các dịch vụ dữ liệu mở cho người nộp thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, để đảm bảo hoàn thành dự toán năm 2022, ngành Thuế sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Được biết, hiện nay Đề án chống thất thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Thuế đang triển khai thực hiện, trong đó tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; rà soát, thu thập thông tin về dữ liệu dòng tiền giao dịch để hướng dẫn người nộp thuế khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước; thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, Đề án chống thất thu đối với kinh doanh thương mại điện tử bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, số thuế thu được năm 2021 từ các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, Youtube, Facebook và từ cá nhân Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang Google, Facebook, Youtube, Apple đạt trên 1.500 tỷ đồng. Thời gian tới Tổng cục Thuế tiếp tục tham mưu với Bộ Tài chính đẩy mạnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại khai thác dữ liệu dòng tiền giao dịch; phối hợp với Bộ Công an về dữ liệu thông tin các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet… để hỗ trợ phát hiện giao dịch chưa thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-khai-nhiem-vu-thu-ngan-sach-ngay-tu-ngay-dau-thang-dau-98712.html