Triển khai nhiều biện pháp chống sạt lở

Nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Sạt lở vào cả mùa khô

Tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bậc nhất cả nước và có đặc điểm địa hình bờ biển phức tạp, những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cùng với các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng; tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở bờ biển khoảng 188/254km, theo số liệu thống kê của ngành Lâm nghiệp, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh); sạt lở bờ sông khoảng 365/8.118km, làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân với tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.099 tỷ đồng. Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, nên đường bờ lấn về phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy, sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô.

Người dân và chính quyền tỉnh Cà Mau ngày đêm chống lại sóng dữ

Người dân và chính quyền tỉnh Cà Mau ngày đêm chống lại sóng dữ

Đầm Dơi là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, cũng là “điểm nóng” về sạt lở bờ biển, bờ sông của tỉnh này, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa mưa bão. Sạt lở đất nghiêm trọng tại Đầm Dơi thường xuất hiện ven các cửa sông lớn có dòng nước chảy mạnh, chênh lệch thủy triều giữa nước ròng và nước lớn cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 42 vụ thiên tai và có đến 39 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hỏng hoàn toàn 76m kè bê tông, 10 nhà dân, hơn 860m đường nông thôn…, ước tính tổng thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng.

Gần đây nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi Nguyễn Phương Bình cho biết, từ ngày 22 - 25.5, trên địa bàn huyện xảy ra 11 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hỏng nhiều tài sản của nhân dân và nhiều công trình lộ giao thông do nhà nước đầu tư. Các vụ sạt lở tập trung trên địa bàn các xã Nguyễn Huân, Ngọc Chánh, Thanh Tùng, Quách Phẩm… Trong đó, ngày 23 và 24.5, mỗi ngày huyện Đầm Dơi xảy ra đến 5 vụ sạt lở đất. Ngoài làm hư hại một nhà dân, các vụ sạt lở còn làm hư hỏng 46m đường đất đen và 271m đường bê tông nông thôn, ước tính tổng thiệt hại bước đầu hơn 400 triệu đồng.

Do tốc độ sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, cập nhật tình hình sạt lở để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Kết quả rà soát cho thấy hiện nay tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km, sạt lở bờ sông khoảng 365km, với các mức độ khác nhau trong đó có 35km sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 65km sạt lở nguy hiểm. Ngoài ra, Cà Mau còn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm bờ sông lên đến 114km và sạt lở ở mức độ nguy hiểm với chiều dài 251km.

Cần di dời hàng nghìn hộ dân

Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6.7.2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Trong những năm qua tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 56,7km kè bảo vệ với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng, chủ yếu ở bờ biển phía Tây.

Những năm gần đây, ngành chức năng Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều cách để phục hồi rừng tại những khu vực bên trong kè biển. Các chuyên gia thủy lợi Cà Mau đã tìm ra giải pháp “kè bê tông ly tâm dự ứng lực”. Tại khu vực ven biển thuộc huyện U Minh, nơi làm kè biển thí điểm đầu tiên ở Cà Mau, thảm rừng đã mọc xanh tốt từ kè đến tận chân đê. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện việc kê liếp trồng rừng và chăm sóc rừng, bên trong đoạn kè biển sẽ làm liếp trồng mắm trắng - một loại cây thích hợp phát triển trên vùng đất bãi bồi.

Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ. Hiện nay tỉnh Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 31,2km, với kinh phí gần 1.285 tỷ đồng trong đó bờ biển Tây 12,5 km bờ biển Tây và bờ biển Đông18,6km.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở sẽ rất tốn kém và khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, xem xét tiếp tục hỗ trợ vốn để tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển… với tổng kinh phí dự kiến thực hiện các công trình khoảng 9.185 tỷ đồng. Trước mắt ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở tại các khu vực dân cư tập trung để bảo vệ hạ tầng bên trong với tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; đồng thời sắp xếp 8 khu tái định cư, di dời 1.382 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở nói trên.

Hiền Dung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/trien-khai-nhieu-bien-phap-chong-sat-lo-i332201/