Triển khai nhiều biện pháp đấu tranh với nạn khai thác cát sỏi trái phép

Trước tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh có diễn biến ngày càng phức tạp, Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.

 Lực lượng Cảnh sát môi trường bắt quả tang một vụ khai thác cát sỏi trái phép vào cuối tháng 12/2020 -Ảnh: T.N

Lực lượng Cảnh sát môi trường bắt quả tang một vụ khai thác cát sỏi trái phép vào cuối tháng 12/2020 -Ảnh: T.N

Theo thống kê của các đơn vị chức năng, tính đến tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh có 50 khu vực thuộc 38 điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020; có 13 điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021- 2030; 14 điểm mỏ cát, sỏi lòng sông nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Nhìn chung, công tác thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức, doanh nghiệp có đầy đủ năng lực trong hoạt động khai thác khoáng sản, hồ sơ thủ tục đầy đủ, đúng quy trình trước khi tiến hành hoạt động khai thác. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 17 giấy phép thăm dò cát, sỏi lòng sông và phê duyệt trữ lượng 15 điểm mỏ cát, sỏi; cấp 20 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn có một số tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản để thực hiện một số hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở các tuyến sông vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ, hậu quả khó lường.

Có thể nhận thấy, việc khai thác cát, sỏi trái phép đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy cũng như không đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường thủy nội địa; nhiều địa bàn do tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đã trở thành điểm nóng về đơn thư khiếu nại tố cáo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu ngày càng cao trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ an sinh xã hội. Mặt khác, vì lợi nhuận nên các đối tượng bất chấp pháp luật để hoạt động khai thác trái phép…

Qua công tác rà soát, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 70 cá nhân có phương tiện liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi (kể cả các phương tiện của các đơn vị được cấp giấy phép khai thác). Ngoài ra còn có một số thuyền nhỏ được người dân sinh sống ven sông sử dụng vận chuyển cát sau khi khai thác trái phép bằng phương pháp thủ công, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Hải Chánh và Hải Tân, huyện Hải Lăng…

Trung tá Nguyễn Việt Hùng, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm về tài nguyên đa dạng sinh học, nông nghiệp, ngư nghiệp, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, cho biết: Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, nơi tiếp giáp nhiều địa bàn như Ngã ba Gia Độ (đoạn sông Hiếu giao nhau với sông Thạch Hãn), khu vực cồn Nổi trên sông Thạch Hãn thuộc địa bàn thành phố Đông Hà. Các đối tượng khai thác cát trái phép chủ yếu dùng thuyền nhỏ trang bị máy hút và thuyền vận chuyển có sức chứa từ 05 -12 m3 . Sau khi khai thác, cát, sỏi được bán cho các bến bãi tại Đông Giang, Lai Phước (Đông Hà); Ái Tử, Triệu Ái, Tân Đức, Triệu Thành (Triệu Phong); Hải Lệ, An Đôn (thị xã Quảng Trị); thời gian khai thác diễn ra vào ban đêm và rạng sáng vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện, xử lý.

Trước tình hình khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt ra quân, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản. Chỉ tính riêng trong năm 2020, lực lượng Cảnh sát môi trường trong toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 74 vụ/73 đối tượng/1 tổ chức với tổng số tiền phạt trên 300 triệu đồng, tịch thu hàng trăm m3 cát các loại. Đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Mặc dù các cơ quan chức năng rất quyết liệt trong đấu tranh xử lý nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn diễn ra.

Trung tá Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm: Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản là cát, sỏi rất cần sự tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng. Đồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép, tịch thu phương tiện, giải tỏa các điểm tập kết cát, sỏi trái phép; không cấp mới hoặc cấp nhiều điểm tập kết ở những khu vực không có mỏ khoáng sản hợp pháp và gần khu vực thường có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Tuy nhiên, một giải pháp mang tính căn cơ hơn, đó là xây dựng phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng lao động tự do sinh sống ven các tuyến sông hoặc tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các hợp tác xã hoạt động về khoáng sản nhằm giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về lĩnh vực tài nguyên - môi trường theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; phát huy vai trò của người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=155146