Triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy lộ trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục được hoàn thiện và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, các tổ chức và thành viên thị trường.

Đây là thông tin về các hoạt động, giải pháp để thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết tại Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 10/10/2023 tại Hà Nội.

Nâng hạng là một trong những mục tiêu quan trọng

Theo ông Phạm Hồng Sơn, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu qua, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tích cực thực hiện các giải pháp liên quan đến phát triển TTCK, trong đó có nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Duy Thái.

Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Duy Thái.

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo UBCKNN cho biết, Bộ Tài chính, UBCKNN đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Cơ quan quản lý TTCK thường xuyên tổ chức đối thoại với các định chế đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức cung cấp chỉ số, các ngân hàng lưu ký và các thành viên thị trường, để trao đổi, cập nhật nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán, cũng như làm rõ các yêu cầu, tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng thị trường, từ đó có các giải pháp, chính sách sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng tiêu chuẩn nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư; và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin minh bạch và công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, cơ quan quản lý TTCK thường xuyên tổ chức đối thoại với các định chế đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức cung cấp chỉ số, các ngân hàng lưu ký và các thành viên thị trường, để trao đổi, cập nhật nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán, cũng như làm rõ các yêu cầu, tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng thị trường, từ đó có các giải pháp, chính sách sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

“Hiện tại, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có việc nâng cao tính minh bạch và chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp tham gia trên thị trường. Đây cũng là nền tảng cho TTCK hoạt động lành mạnh, ổn định và bền vững” - ông Phạm Hồng Sơn cho biết và nhấn mạnh.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập 2 nhóm vấn đề lớn cần tháo gỡ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, bao gồm: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại).

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đánh giá, áp dụng mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP), với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc prefunding.

Còn với vấn đề room ngoại, các đại biểu thống nhất cần đẩy nhanh áp dụng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), trong bối cảnh các quy định pháp lý cho sự ra đời của sản phẩm này đã được ban hành đầy đủ.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo.

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo.

Mục tiêu nâng hạng TTCK trước năm 2025 là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn và sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

TS. Cấn Văn Lực lưu ý, kỳ "review" của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, trong khi với FTSE là tháng 3 và tháng 9 hàng năm, điều đó có nghĩa để nâng hạng trước 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để chạy đua với hàng loạt tiêu chí. Do đó, mục tiêu nâng hạng TTCK trước năm 2025 là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn và sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

Một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên thị trường là việc minh bạch công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. PGS. TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) nhận định, thời gian qua, chất lượng công bố thông tin đã có sự cải thiện đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, tuy nhiên chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, trong khi đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa dành nhiều sự quan tâm tới công tác công bố thông tin nói chung và công bố thông tin bằng tiếng Anh nói riêng.

Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.

Về mức độ dễ hiểu của thông tin, 2021 - 2025 là giai đoạn các doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS, trước khi bắt buộc áp dụng từ sau năm 2025. Tuy nhiên tốc độ chuyển đổi còn chậm. Theo khảo sát của Deloitte, trong số các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS, chỉ có khoảng 30% áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS, 70% còn lại chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày báo cáo tài chính.

Đại diện lãnh đạo các tập đoàn niêm yết lớn như Vinamilk, FPT đánh giá mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện ở quy mô và tính minh bạch của thị trường, hai yếu tố bền vững giữ chân nhà đầu tư nước ngoài lâu dài.

Bởi vậy, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, theo các diễn giả, bản thân các doanh nghiệp cần ý thức và nâng cao công tác minh bạch công bố thông tin. Cùng với đó, các đại biểu cũng đề cập nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của công ty niêm yết, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực, đạo đức của người hành nghề chứng khoán.../.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-khai-nhieu-giai-phap-de-thuc-day-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-137309.html