Triển khai nhiều giải pháp khôi phục lại vườn cây có múi
Từ năm 2017 đến nay, hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà vườn huyện Lai Vung. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng và địa phương áp dụng nhiều biện pháp nhằm khôi phục lại nông sản thế mạnh này.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND huyện Lai Vung thực hiện 5 mô hình thử nghiệm các biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi. Đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp phụ trách, theo dõi lấy chỉ tiêu đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình.
Hiện nay, cả 5 mô hình đều cho kết quả tốt. Cây đang phục hồi trở lại, tốt hơn năm 2019 và các diện tích đối chứng canh tác theo tập quán của nông dân. Với những ưu điểm đó, một số nông dân ngoài mô hình cũng được tuyên truyền tập huấn và áp dụng theo quy trình này.
Ông Nguyễn Văn Đầy ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Thực hiện theo mô hình, tôi và các nông dân tận dụng nguyên liệu tại chỗ là rơm và phân bò để tạo thành loại phân hữu cơ bón cho cây. Đến nay, khoảng 70% diện tích vườn cây có múi của gia đình đã được khôi phục trở lại, cây bắt đầu cho trái. Nhờ có sự hướng dẫn và khuyến cáo của các chuyên gia, việc bón phân hữu cơ cho cây vừa tạo sự thông thoáng cho đất vừa tiết kiệm chi phí sản xuất”.
Bên cạnh việc thực hiện mô hình thí điểm, Sở NN&PTNT còn phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tiến hành lấy mẫu đất, sản phẩm cây trồng trên những diện tích vườn sử dụng phân hữu cơ nhiều năm (2 - 3 năm) để phân tích đánh giá chỉ tiêu kim loại nặng tích lũy trong đất và lưu tồn trong sản phẩm. Kết quả cho thấy chỉ có 2/9 mẫu phân hữu cơ đạt chất lượng. Từ những kết quả này, Sở NN&PTNT đã theo dõi sát tình hình sử dụng phân bón hữu cơ, ghi nhận kịp thời những phản ánh của người dân về chất lượng phân bón; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Mặt khác, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân hiểu rõ về tiêu chuẩn chất lượng phân bón hữu cơ, tránh sử dụng các loại phân có chứa các chất kim loại nặng cao gây tích lũy trong đất, cây trồng, gây độc cho con người, môi trường và sinh vật có ích.
Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân trong khâu làm đất, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (huyện Tháp Mười) thực hiện trình diễn máy xeo đất kết hợp rải tro trấu, phá vỡ tầng đất bị nén dẽ, giúp giảm thiểu công lao động. Sở NN&PTNT cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Kế hoạch phát triển cây có múi bền vững giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm hỗ trợ các giải pháp về giống cây quýt hồng; thổ nhưỡng và dinh dưỡng; quản lý dịch hại tổng hợp; kỹ thuật canh tác; bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Đồng thời phối hợp với UBND huyện Lai Vung thẩm tra Đề án khôi phục cây quýt hồng.
Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, đơn vị sẽ cung cấp tài liệu về quy trình quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi để nhà vườn thực hiện. Đồng thời thực hiện các cuộc tọa đàm, tập huấn hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi. Ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân quy trình ủ phân hữu cơ truyền thống bằng nguồn nguyên liệu rơm mục tại địa phương, nhằm đảm bảo phân hữu cơ đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra đánh giá phân bón hữu cơ đang lưu thông trên thị trường để khuyến cáo bà con nông dân sử dụng. Bên cạnh đó, triển khai công tác nhân giống cây quýt hồng sạch bệnh...
Để khôi phục lại vườn cây thế mạnh của địa phương, ông Huỳnh Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì thực hiện 5 mô hình thí điểm này. Hiện, các mô hình đang thực hiện năm thứ hai, sau 3 năm sẽ tiến hành tổng kết, biên soạn quy trình chính thức. Địa phương sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện Dự án “Bảo tồn và khôi phục quýt hồng Lai Vung năm 2020 – 2024”. Riêng cây quýt đường, cam soàn, địa phương sẽ khoanh vùng để xây dựng mã số vùng trồng đối với các diện tích từ 10ha trở lên. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng quy trình khắc phục dịch bệnh được công bố; phối hợp Trường Đại học Cần Thơ phân tích đất đai tại các vùng quy hoạch để có cơ sở cải tạo đất, nhằm phát triển cây có múi theo hướng bền vững.