Triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại các tỉnh, thành đa dạng

Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh...

Ngày 02/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về "Vệ sinh yêu nước" đăng trên báo Nhân dân số 1572, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.

Ngày 26/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó chỉ đạo "Thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân".

Trên nền tảng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của ngành Y tế cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng tới tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Người dân tại các địa phương trong cả nước đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh

Người dân tại các địa phương trong cả nước đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh

Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức hàng vài chục buổi mít tinh lớn phát động hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với các chủ đề khác nhau về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Chủ đề ưu tiên của các chiến dịch là giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng khích lệ.

Người dân tại các địa phương trong cả nước đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh với nhiều hình thức như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng những hành động cụ thể: Tham gia xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, tích trữ nước và sử dụng nước an toàn cho gia đình, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm phòng tránh tiêu chảy và bệnh tay chân miệng,…

Cùng đó để phong trào đi vào thực chất, nhiều mô hình đã được triển khai xây dựng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực tại nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước. Trong đó, đáng chú ý như mô hình vệ sinh môi trường nông thôn hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tại các tỉnh Lào Cai, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; mô hình tiếp thị vệ sinh; mô hình cộng đồng công nhận chấm dứt đi tiểu bừa bãi; mô hình cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp…

Có thể thấy, các hoạt động hưởng ứng phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt. Các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng tham gia tích cực bằng những việc làm, hành động cụ thể, đạt nhiều kết quả tích cực.

Qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, thực hành thói quen, nếp sống vệ sinh, văn minh có lợi cho sức khỏe. Việc

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường.

Các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên với những hiểu biết tối thiểu, vẫn còn tỷ lệ khá cao người dân chưa có nước sạch để sử dụng, một số dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát trở lại đã và đang tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống cộng đồng dân cư. Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã khiến công việc xử lý ô nhiễm môi trường của các địa phương đứng trước nhiều khó khăn...

Do đó, trong thời gian tới cần triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo vệ môi trường, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe...

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-phong-trao-ve-sinh-yeu-nuoc-nang-cao-suc-khoe-nhan-dan-tai-cac-tinh-thanh-da-dang-169240826235014785.htm