Triển khai Quy tắc sử dụng mạng xã hội tới từng Liên Chi hội, Chi hội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Hơn 3 năm sau khi Bộ Quy tắc sử dụng MXH của NLBVN được ban hành, từng hội viên sinh hoạt tại HNB TP. Hà Nội đều tích cực hưởng ứng, nhờ vậy việc ứng xử trên MXH luôn có sự thống nhất, hài hòa, giúp hội viên đồng lòng phấn đấu vì mục tiêu chung và môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh.
Bài liên quan
“Lạt mềm buộc chặt”... chứ không phải xử phạt
Bài 2: Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam: Định hướng hội viên tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội
Kim chỉ nam trong hoạt động nghiệp vụ
Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội mở ra một không gian, thế giới mới trên môi trường số với nhiều cơ hội và thử thách cho tất cả mọi người. Ngoài những việc tử tế được lan truyền thì còn không ít ứng xử không phù hợp, như những lời nói thiếu kiểm soát, tin giả, thông tin bôi nhọ người khác...
Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã thăm và trao tặng quà tại điểm Trường Mầm non Sùng Phài (xã Sùng Phài, TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu).
Hội Nhà báo thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.040 hội viên sinh hoạt tại 18 Liên Chi hội, Chi hội các cơ quan báo, đài, Ban liên lạc nhà báo cao tuổi và Chi hội Văn phòng. Với số lượng hội viên lớn, đây cũng là một bộ phận quan trọng, có vai trò tuyên truyền giúp các chủ trương đường lối của Thành ủy, UBND thành phố đến với người dân Thủ đô, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
Thấy được vai trò đó, trong những năm qua, Hội Nhà báo thành phố thường xuyên duy trì công tác kiểm tra và quán triệt tới hội viên thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo.
Hội Nhà báo thành phố cùng với Ban Kiểm tra và các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quán triệt tới hội viên để nghiêm túc thực hiện.
Trong đó việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo là nội dung được các cơ quan báo chí của thành phố rất quan tâm, coi đây là kim chỉ nam trong hoạt động nghiệp vụ, góp phần rèn giũa đạo đức, chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo Thủ đô.
Nhà báo Hoàng Lệ Quyên thuộc Chi hội nhà báo Báo Hà Nội mới cho biết: “Chúng tôi luôn được lãnh đạo Chi hội nhắc nhở thận trọng với mặt trái của mạng xã hội, không phát ngôn bừa bãi, thiếu tính xây dựng, không sử dụng mạng xã hội vì lợi ích cá nhân. Không bôi nhọ ai, không phân biệt đối xử… Khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội không được sử dụng một cách tùy tiện”.
Giống như ở Chi hội nhà báo Báo Hà Nội mới, các hội viên ở Chi hội báo Kinh tế & Đô thị đã luôn bám sát các chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội trong việc nâng cao đạo đức, ý thức của người làm báo cũng như trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội. Chi hội thường xuyên tổ chức hội nghị, tập huấn để các hội viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, đạo đức và nghiệp vụ. Nhằm từng bước thay đổi phong cách tác nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất tác phẩm báo chí.
Chia sẻ về kinh nghiệm khi sử dụng mạng xã hội, nhà báo Vũ Công Trình – Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: “Trong nhiều năm qua, Chi hội báo thường xuyên quán triệt đến hội viên sử dụng mạng xã hội một cách văn minh nhất, không sử dụng mạng xã hội cho những hoạt động tiêu cực, chỉ nên dùng để giải trí, kết nối tình đoàn kết, tương thân tương ái với mọi người. Những bức xúc, những vấn đề nảy sinh trong công việc, trong hoạt động tác nghiệp của mỗi phóng viên đều được lãnh đạo cơ quan, đơn vị lắng nghe và trực tiếp giải đáp thỏa đáng, việc này đã tạo tư tưởng đồng thuận, đồng lòng của tất cả hội viên”.
Phối hợp chặt chẽ với ngành thông tin truyền thông nếu có vi phạm
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam năm 2020 là khoảng 72 triệu người, trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 75 triệu người.
Với số lượng người dùng lớn như vậy, mạng xã hội đang tác động lên mọi mặt đời sống, trở thành kênh thông tin truyền thông hiệu quả.
Sử dụng mạng xã hội giúp người làm báo có được lượng thông tin lớn, dù sự kiện có ở bất kỳ đâu, trên khắp nơi trong cả nước. Giữa muôn vàn thông tin xô bồ đó người làm báo cần phải làm chủ không gian ảo và điều chỉnh thông tin sai lệch trên mạng xã hội về với đúng sự thật, bản chất sự việc của nó.
Người dùng mạng xã hội vốn dĩ rất tin tưởng vào những thông tin các nhà báo đăng tải và sẽ là tác hại thật sự khi người làm báo vô tình “sập bẫy” đăng hoặc chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội chỉ vì muốn thông tin của mình xuất bản thật nhanh, thật độc.
Hội viên nhà báo TP. Hà Nội tác nghiệp ở đồn Biên phòng Chiềng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Lường trước được sự bùng nổ của mạng xã hội sẽ phần nào ảnh hưởng tới hoạt động của đội ngũ người làm báo Thủ đô, từ nhiều năm nay, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội tới từng Liên Chi hội, Chi hội, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Hội Nhà báo thành phố cũng tăng cường kiểm tra, định hướng, để giúp cho cán bộ hội viên ý thức hơn khi dùng mạng xã hội. Nhiều đơn vị còn tổ chức phát phiếu để các hội viên tự nhận xét xem việc thực hiện của mình đến đâu. Qua các phiếu này, lãnh đạo các Chi hội cũng tiếp thu ý kiến góp ý của hội viên, lắng nghe những đề xuất của hội viên gửi tới các cấp Hội Nhà báo để triển khai Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội thiết thực và hiệu quả hơn.
Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội cho biết: Chúng tôi giao trách nhiệm cho các đồng chí đứng đầu Chi hội, khi để xảy ra các vi phạm trên môi trường mạng gây hoang mang, điều tiếng không tốt đến cơ quan và thành phố, đặc biệt vi phạm đến các nội dung trong quy định của Hội Nhà báo đề ra thì yêu cầu người đứng đầu đơn vị đó xử lý. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua người đứng đầu đơn vị đã phổ biến cho các hội viên nhà báo nên bước đầu đã hạn chế thấp nhất những vi phạm.
“Nếu trường hợp có vi phạm thì Hội Nhà báo sẽ phối hợp và lắng nghe các ý kiến đề xuất của Chi hội đó, nếu trong tầm tay của Hội và Chi hội có thể làm thì xử lý luôn. Giải pháp cuối cùng là tăng cường phối hợp với Sở TTTT để đảm bảo thực hiện đúng bộ các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng. Hiện Sở TTTT sở hữu công nghệ nên việc này hoàn toàn có thể thống kê, chỉ rõ đến vi phạm. Trong thời gian tới chúng tôi cũng tăng cường giám sát đề cao đạo đức người làm báo vừa là ứng xử mạng xã hội vừa góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo như chỉ đạo của thành phố” - nhà báo Kiều Thanh Hùng nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay các hội viên nhà báo trên địa bàn Thủ đô ngoài việc triển khai Quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cán bộ, phóng viên còn thực hiện nội dung trong Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động theo các quyết định của UBND thành phố đã ban hành.
Việc triển khai song song các quy định của Hội Nhà báo và của UBND thành phố không chỉ giúp cán bộ phóng viên chỉn chu hơn trong việc ứng xử ở trên môi trường mạng, mà còn ở cả cung cách giao tiếp, tác phong làm việc hằng ngày. Cũng từ đó mỗi nhà báo hội viên cùng nỗ lực nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc, đoàn kết, đồng lòng để hoàn thành mục tiêu chung.