Triển khai quyết liệt các biện pháp chống buôn lậu động vật, thực vật hoang dã

Ông Phan Quốc Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan cho biết, trong năm 2025, lực lượng chức năng, trong đó có cơ quan hải quan sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh với tội phạm vận chuyển động vật, thực vật hoang dã xuyên quốc gia.

Cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 1,6 tấn ngà voi về cảng Hải Phòng năm 2024. Ảnh: CTV

Cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 1,6 tấn ngà voi về cảng Hải Phòng năm 2024. Ảnh: CTV

PV: Mặc dù công tác đấu tranh ngăn chặn đã được chú trọng triển khai, tuy nhiên trong thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật, thực vật hoang dã quý hiếm diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không... Ông cho biết rõ hơn về hành vi này?

Ông Phan Quốc Đông: Có thể thấy hoạt động của tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trên tuyến đường bộ tại một số địa bàn trọng điểm như: Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng trị, Gia Lai, Kon Tum..., động vật, thực vật hoang dã như tê tê, rùa, chồn, nhím, cầy hương... được cất giấu trong các thùng, hầm, vách ngăn được gia cố, tự chế của các phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu; trong hành lý cá nhân khi nhập cảnh; giấu lẫn hàng hóa vi phạm với hàng hóa khai báo hải quan...

Đối với tuyến đường biển, địa bàn trọng điểm cửa khẩu cảng Hải Phòng, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh)..., các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn như khai sai tên hàng, khai báo sai chủng loại và tên khoa học, để lẫn hàng hóa vi phạm với các hàng hóa được khai báo hải quan, thường là các mặt hàng thông thường, có trị giá không quá lớn và cũng gây khó khăn, mất nhiều thời gian khi kiểm hóa như: hạt điều, hạt lạc, thực phẩm đông lạnh, vỏ ốc biển, sừng động vật, thủ công mỹ nghệ, phế liệu....

Trên tuyến hàng không, nhiều vụ việc đã được phát hiện với thủ đoạn tinh vi, nổi bật, trong số đó là các vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, bong bóng cá, tắc kè, cá ngựa, thịt/xương động vật hoang dã... Hàng hóa vi phạm thường được cất giấu trong các lô hàng nhập khẩu và hành lý ký gửi của hành khách nhập cảnh cùng chuyến.

Nổi bật, gần đây, các đối tượng chủ hàng còn lợi dụng thuê mướn những người mang quốc tịch nước ngoài bị tàn tật (dị tật ở chân, tay, mắt…) để xách hàng thuê trên tuyến này. Ngoài ra, bên cạnh việc vận chuyển trực tiếp hàng hóa vi phạm theo con đường truyền thống là từ một số quốc gia trọng điểm về Việt Nam, các đối tượng thường tìm cách vận chuyển qua một hoặc một vài nước thứ 3 về Việt Nam nhằm che giấu nguồn gốc quốc gia hoặc đích đến, qua đó “đánh lạc hướng” sự giám sát, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm của cơ quan hải quan.

Trong bối cảnh nêu trên, Hải quan Việt Nam có sự hợp tác với cơ quan chức năng, hải quan quốc tế đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ án xuyên quốc gia. Điển hình, ngày 23/3/2024, cơ quan hải quan đã tiến hành khám lô hàng đóng trong container cập cảng Lạch Huyện - Hải Phòng phát hiện, thu giữ khoảng 1,6 tấn ngà voi.

PV: Từ các vụ vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã do lực lượng hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, ngăn chặn trong thời gian qua, ông cho biết những khó khăn phải đối diện trong công tác đấu tranh ngăn chặn hành vi này?

Ông Phan Quốc Đông: Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động. Các đối tượng cầm đầu trong các vụ án vận chuyển, tàng trữ, buôn bán động, thực vật hoang dã đều không trực tiếp vận chuyển hàng, mà thường thuê các đối tượng khác áp tải hàng, đồng thời bố trí lực lượng giám sát từ xa, sử dụng các trang thiết bị, phương tiện hiện đại để đối phó nên khi biết bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng này nhanh chóng ngắt liên lạc, bỏ trốn.

Nhiều vụ việc, vụ án có quy mô hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, tập kết hàng hóa tại khu vực biên giới, sử dụng phương tiện công cộng để vận chuyển động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, khi bị bắt giữ không có đối tượng đứng ra nhận hàng, không xác định được chủ hàng và các đối tượng áp tải, vận chuyển hàng nên gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Ngoài ra, cơ quan hải quan không có thẩm quyền khởi tố các vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới, khó khăn trong khâu xác định trị giá tang vật vi phạm và hình thức, phương án xử lý đối với tang vật tịch thu....

PV: Trong thời gian tới công tác phối hợp giữa lực lượng hải quan với các đơn vị chức năng sẽ được đẩy mạnh như thế nào nhằm kịp thời phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, thực vật hoang dã ở các địa bàn trọng yếu trong cả nước, thưa ông?

Ông Phan Quốc Đông: Năm 2025, Hải quan Việt Nam tiếp tục triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VII với nhiều chương trình cụ thể trong hoạt động hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động vật, thực vật hoang dã.

Trong đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an trong việc liên kết, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa đơn vị, trao đổi thông tin nghiệp vụ, thông tin tình báo từ các tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng quốc tế cung cấp, để triển khai các chuyên đề, kế hoạch chung nhằm phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Triệt phá hơn 10 vụ buôn lậu động, thực vật hoang dã

Chỉ tính trong năm 2024, cơ quan hải quan đã bắt giữ 10 vụ/10 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật hoang dã, tang vật thu giữ 1,58 tấn ngà voi, 1 kg sừng tê giác, 1.096 cá thể, 2.068 kg sản phẩm, bộ phận của động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), 166 m3 gỗ thuộc danh mục CITES.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-khai-quyet-liet-cac-bien-phap-chong-buon-lau-dong-vat-thuc-vat-hoang-da-175395.html