Triển khai sản xuất ngắn ngày, ổn định sinh kế cho người dân vùng lũ

Quảng Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua. Bà con vùng lũ rất cần cây, con giống, vốn... cùng các chính sách hỗ trợ kịp thời để tái thiết sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.

Lũ đi qua, chị Hoàng Thị Thà, ở xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) thẫn thờ nhìn ruộng sắn ngập nước đang bị thối rữa. Ruộng sắn nằm ở sát quả đồi, những năm trước mưa lũ không ngập đến, nhưng năm nay lũ quá lớn, diện tích sắn chưa kịp thu hoạch bị ngập hư hỏng.

Chị Hoàng Thị Thà cho biết, ngoài sắn thì số lúa giống và lúa lương thực vụ Hè Thu vừa thu hoạch kê sát mái nhà cũng bị ngập nước, mọc mầm... Để kịp lịch vụ Đông Xuân, sau khi lũ rút, gia đình chị Hoàng Thị Thà khẩn trương ra đồng cải tạo ruộng bị bùn đất lấp đầy, đắp lại bờ bao. Hiện, người dân ở đây đang thiếu giống lúa phù hợp điều kiện ruộng đất sau lũ và giống lúa ngắn ngày, chống chịu tốt.

“Vừa qua ảnh hưởng nặng, nước dâng lên cao, bà con trôi đồ đạc hết, giờ cố gắng để làm lại đồng ruộng. Chính quyền địa phương cũng đưa về cho mì tôm, gạo các thứ đủ ăn, giờ người dân cũng cần tiền, cần giống sản xuất chuẩn bị vào mùa, nhờ cấp trên hỗ trợ giống gieo lại, giống đang thiếu, tiền cũng thiếu để mua phân bón cây trồng” - chị Thà nói.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra các mô hình chăn nuôi sau lũ.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra các mô hình chăn nuôi sau lũ.

Sau “lũ chồng lũ”, tỉnh Quảng Bình lại gánh chịu ảnh hưởng của bão số 13. Nhiều khu vực nước vừa rút, lại dâng trở lại kèm gió lớn khiến tứ bề tan hoang. Tại các vựa rau và hoa thuộc các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, người dân tất bật cày ải ruộng đất, chuẩn bị bước vào vụ mới để kịp cung cấp thị trường Tết Nguyên đán.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Võ Minh Nết, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khẩn trương làm đất để trồng rau. Cả gia đình ông hy vọng trong nửa tháng tới thời tiết ổn định để thu hoạch kiếm ít vốn chuẩn bị cho vụ Đông Xuân. Trước đó, chỉ trong hơn 1 tháng, tại mảnh vườn này ông đã làm đất, trồng rau 3 lần nhưng đều mất trắng do mưa lũ.

Theo ông Võ Minh Nết, trồng rau ngắn ngày là giải pháp của nhiều hộ nơi đây để nhanh chóng có vốn tái sản xuất: “Về lâu dài vẫn phải khắc phục vì còn nhiều khó khăn, nhà lưới bị hỏng, đất ngâm nước giờ ẩm và độ chua phèn trong đất quá nhiều. Công tác xử lý đất đã khó khăn rồi, nhưng giờ khó khăn nhất vẫn là hạt giống, hiện hạt giống đắt mà mua cũng không có”.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, năm nay mưa lũ diện rộng, đỉnh lũ xảy ra vào ban đêm, 70% diện tích bị ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Được các tổ chức, cá nhân hảo tâm cứu trợ, huyện đã tiếp nhận hàng hóa các loại của hơn 1200 đoàn với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Ban cứu trợ ở địa phương... các đoàn từ thiện được hướng dẫn về cứu trợ theo đúng địa chỉ, đúng đối tượng khó khăn.

Người dân khẩn trương phục hồi sản xuất, trồng lại hoa màu sau lũ.

Người dân khẩn trương phục hồi sản xuất, trồng lại hoa màu sau lũ.

Theo ông Đặng Đại Tình, ngoài việc kêu gọi các tổ chức hỗ trợ trước mắt còn cần tính đến việc hỗ trợ sinh kế lâu dài, huyện cũng đề xuất với tỉnh Quảng Bình có chính sách hỗ trợ nhân dân nhằm ổn định sản xuất.

“Đề nghị UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ thêm cho ngành nông nghiệp đặc biệt là giống cây, con để người dân tái thiết. Đối với các hộ tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ cũng bị tác động rất lớn. Vừa rồi chúng tôi chỉ đạo ngành thuế sắp tới đối với các hộ kinh doanh thương mại dịch vụ tại các chợ, huyện cũng tiến hành tạm thời không thu thuế, coi như là họ không kinh doanh bởi họ thiệt hại rất lớn” - ông Tình nói.

Đợt mưa lũ kéo dài trên diện rộng vừa qua tại tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại gần 9.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng; 41.000 tấn hạt giống hư hỏng; hơn 1 triệu gia súc, gia cầm; gần 4.400ha nuôi trồng thủy sản.... Ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất. Trước mắt, ưu tiên giống ngô, rau màu ngắn ngày, hướng dẫn người chăn nuôi đưa gia súc, gia cầm đến nơi khô ráo; cung cấp đầy đủ thức ăn; theo dõi tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm.

Các đơn vị của ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương huy động tối đa phương tiện và nhân lực, tiến hành đấu úng, bơm tiêu nhanh trên ruộng. Tại các địa phương khôi phục diện tích ruộng bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ để nhanh chóng tổ chức sản xuất vụ Đông- Xuân bảo đảm diện tích và kịp lịch thời vụ.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã đề xuất với Trung ương hỗ trợ hóa chất để xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; vaccine phòng dịch trên gia súc gia cầm, cung cấp giống lúa, ngô và hạt giống rau màu.

“Với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hiện nay các doanh nghiệp đã hỗ trợ một số giống, thức ăn chăn nuôi, hóa chất. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương chỉ đạo các hộ tiếp nhận. Có kế hoạch tái sản xuất hiệu quả, làm thế nào đó đến dịp Tết Nguyên đán sẽ có 1 số sản phẩm cung cấp cho thị trường trong những tháng cuối năm” - ông Minh cho biết./.

Thanh Hiếu/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trien-khai-san-xuat-ngan-ngay-on-dinh-sinh-ke-cho-nguoi-dan-vung-lu-820429.vov