Triển khai Sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tạo thuận lợi cho người dân

Chiều 2-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNelD tại điểm cầu Chính phủ.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Để triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám, Bộ Y tế đã tạo lập hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNelD với 12.518 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (đạt 98% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước) và đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tích hợp vào VNelD. Bước đầu triển khai thí điểm tại Hà Nội, UBND thành phố đã tạo lập được Sổ sức khỏe điện tử cho 7,5 triệu người dân (với 21 trường thông tin) và 2,5 triệu Sổ sức khỏe điện tử cho người dân với 48 trường thông tin. Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã tạo lập và tích hợp gần 912.000 dữ liệu về giấy chuyển tuyến và trên 2,6 triệu dữ liệu về giấy hẹn tái khám trên VNeID để sẵn sàng công bố trên toàn quốc.

Việc triển khai sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà. Hàng năm ước tính, cả nước sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh.

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương. Dự kiến ước tính khi thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.

Trước đó, ngày 24-8-2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1-10-2024 đến hết ngày 30-6-2025. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành quy trình thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNelD. Trong đó, đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm, chi phí mang lại lợi ích cho người và đất nước, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải phát huy tốt vai trò người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện trên tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm”. Các bộ, ngành và các địa phương cần chủ động phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những hạn chế, tiếp tục nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để chuẩn bị tốt những điều kiện về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, nguồn lực để triển khai Sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNelD trên phạm vi toàn quốc, đem lại tiện ích thiết thực cho người dân và trong quản lý nhà nước.

Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/trien-khai-so-suc-khoe-dien-tu-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-tren-vneid-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-199543.html