Triển khai sớm nhưng còn bộn bề khó khăn

Phân loại, thu gom rác thải tại nguồn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí xử lý rác, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí… mà còn góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế tài nguyên gốc, tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn điện năng. Thế nhưng, mặc dù công tác phân loại, thu gom rác thải tại nguồn đã được TP. Hồ Chí Minh triển khai từ nhiều năm, song đến nay, vẫn còn bộn bề khó khăn cần tập trung giải quyết.

Khởi động từ năm 2017

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, để chuẩn bị triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn, trong năm 2015 và 2016, thành phố đã triển khai thí điểm hoạt động phân loại rác sinh hoạt tại nguồn tại 7 quận trên địa bàn thành phố là quận 1, 2, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh… Năm 2017, trên cơ sở kết quả thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải sinh hoạt và hiện trạng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải ra sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 - 2020 với lộ trình thực hiện mở rộng từng năm; giao UBND 24 quận, huyện chủ động lập kế hoạch thực hiện để đến năm 2020, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, công tác triển khai phân loại chất thải ra sinh hoạt tại nguồn cũng gặp một số những khó khăn. Cụ thể, giai đoạn 2021 trở về trước, quy định pháp luật chỉ dừng lại ở mức vận động, khuyến khích người dân tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn và chưa quy định hình thức xử lý đối với các cá nhân chưa phân loại; thị trường đầu ra của các sản phẩm sau phân loại chưa được phát triển nên hiệu quả kinh tế mang lại từ hoạt động phân loại của từng hộ gia đình chưa cao.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường định hướng về công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt đến năm 2025 (tỷ lệ rác được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện chiếm 80%, phần còn lại là compost và chôn lấp) và quy định pháp luật phân loại để tăng cường tái chế, thành phố đã điều chỉnh phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm chính: nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại, từ năm 2021.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, công tác thu gom chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố cơ bản đã được xã hội hóa 100%; công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh. Trong giai đoạn 2016 - 2021, TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn.

Bên cạnh đó, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển cũng tăng lên qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã chi 3.008 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Trong đó, khối quận, huyện là 1.491 tỷ đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường là 1.516 tỷ đồng. Con số này của năm 2021 là 3.063 tỷ đồng và theo đó số tiền dự chi cho công tác này trong năm 2022 là 3.311 tỷ đồng. Rác thải tăng không chỉ kéo theo chi ngân sách nhà nước tăng theo mà còn khiến cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở TP. Hồ Chí Minh trở nên quá tải. Hiện nay, với lực lượng công nhân khoảng 4.000 người nhưng mỗi ngày phải quét dọn, thu gom và vận chuyển khoảng 9.500 tấn rác thải.

TP. Hồ Chí Minh đã triển khai phân loại rác thải từ năm 2017
Nguồn: ITN

Khó khăn trong phân loại

Theo đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 5 năm gần đây, thành phố đã nỗ lực quản lý tốt vấn đề xử lý rác thải, tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải, bảo đảm việc xử lý rác thải trong ngày, không để tồn đọng. Tuy nhiên, trong quá trình thu gom, xử lý rác thải cần phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách xử lý rác thải theo cách mới; vận động, tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn, chuẩn hóa lực lượng thu gom rác, trang bị bảo hộ, nhiều điểm tập kết rác còn nằm trong khu dân cư...

Ngoài một số cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, siêu thị, các chuỗi cà phê lớn… quan tâm triển khai, thực hiện thì hầu hết người dân trên địa bàn vẫn chưa thực sự chú ý đến việc phân loại rác tại nguồn. Hầu hết tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố, các loại rác thải từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) được tập kết vào các thùng rác cỡ lớn hoặc các vật dụng như thùng xốp, bao bì… Người dân đã quen với việc để chung các loại rác, nhiều người khi được hỏi đến việc phân loại thì tỏ ra bất ngờ hoặc thờ ơ.

Bà Vũ Thị Như Xuân, Chủ tịch UBND phường 12, quận Tân Bình cho biết, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động "Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" và triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn, mỗi phường thí điểm phân loại, thu gom rác ở một vài tuyến đường nhưng vẫn chưa mang lại kết quả tốt vì công tác thu gom còn hạn chế. Chủ trương rất hay và đúng nhưng chưa làm được! Thời gian tới, nên chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức cho người dân.

Theo bà Hồ Thị Thúy Diệu (quận Tân Phú), giai đoạn trước đây 2012 - 2018, thành phố đã tổ chức triển khai kế hoạch hướng dẫn người dân và lực lượng thu gom rác thu gom rác sau phân loại. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này không còn được duy trì. Hơn nữa, từ năm 2021, thành phố đã điều chỉnh phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm chính là nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại từ năm 2021. Tuy nhiên, theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lại phân thành 3 loại, bao gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác. Điều này sẽ dẫn tới việc người dân gặp khó khăn khi phải thay đổi thói quen phân loại rác.

Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận phân tích, Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực năm 2022, yêu cầu phân thành 3 loại rác, TP. Hồ Chí Minh đang phân loại theo 2 nhóm vì đang hướng tới công nghệ đốt. Mặc dù vậy, để tiến tới lộ trình 31.12.2024 thực hiện phân loại rác thành 3 nhóm theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có công văn yêu cầu các địa phương gửi đề xuất thời điểm triển khai nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm thống nhất trong thực hiện Luật.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/trien-khai-som-nhung-con-bon-be-kho-khan-i311810/