Triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023: Hướng đến phát triển bền vững tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước năm 2023 với 10 chương, 86 điều đã được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Nhằm sớm đưa luật đi vào cuộc sống, ngày 4-9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9761 về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với Báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết:

Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Ông Nguyễn Minh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

- Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Luật đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, quyền tiếp cận nước của người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.

4 nhóm chính sách nêu trên đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới sau đây: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Trong các điểm mới nêu trên, luật đã quy định về nguyên tắc quản lý. Trong số các nguyên tắc quản lý, có nguyên tắc rất quan trọng là: Bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước quốc gia cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Mục tiêu hướng tới nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới; bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm rủi ro tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra. Đây là bước thay đổi lớn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

- Thưa ông, nhằm sớm đưa Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, để cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thực hiện, với trách nhiệm được UBND tỉnh giao, Sở TN-MT đã và đang triển khai thực hiện như thế nào?

- Để thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, ngày 27-6, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1691 về việc phê duyệt Danh mục và bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn là vùng liền kề với khu vực bị nhiễm mặn có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500mg/l trở lên. Khu vực cấm và hạn chế này có tổng diện tích 160,2km2 với 78 vùng hạn chế, phân bố tại 5 huyện, thị xã, thành phố. Các vùng bị hạn chế khoan giếng, khai thác nước ngầm thuộc 78 xã, phường, thị trấn của các địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm, Ninh Hòa.

Một khu vực ở huyện Cam Lâm thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Một khu vực ở huyện Cam Lâm thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Ngày 4-9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9761 về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước cho cán bộ, công chức quản lý của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, chấp hành pháp luật tài nguyên nước. Đồng thời, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; tham mưu ban hành các văn bản cụ thể hóa luật và các văn bản dưới luật, nghị định bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan và UBND cấp huyện, UBND cấp xã, đơn vị, cá nhân có liên quan trong hoạt động triển khai thi hành luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của luật tại các địa phương; phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước. Đồng thời, Sở TN-MT chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch này để tổng hợp báo cáo việc thi hành Luật Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cho UBND tỉnh và Bộ TN-MT theo định kỳ trước ngày 31-12 hàng năm. Hiện nay, Sở TN-MT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, nhằm sớm đưa Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!

THÁI THỊNH (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/trien-khai-thi-hanh-luat-tai-nguyen-nuoc-nam-2023-huong-den-phat-trien-ben-vung-tai-nguyen-nuoc-54f1893/