Triển khai Thông tư 29 với tinh thần đồng tâm, đồng thuận, tính hành động cao

Kết quả đạt được, cũng như các vấn đề cần lưu ý để triển khai tốt quy định mới về dạy thêm, học thêm được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Ảnh: Trần Hiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Ảnh: Trần Hiệp.

6 kết quả quan trọng sau triển khai quy định mới dạy-học thêm

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT chiều 28/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết:

Cách đây gần 30 năm, từ năm 1996, tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, đã cảnh báo về thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan với nội dung: Dạy thêm học thêm tràn lan tốn nhiều thời gian và tiền bạc của học sinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của học sinh và quan hệ thầy trò. Nghị quyết cũng yêu cầu, đến năm 2000 phải chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Nhiều kỳ họp Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh trên nghị trường đã nêu lên tình trạng này.

Dạy thêm, học thêm tràn lan để lại hệ lụy lớn cho giáo dục, đào tạo, nhưng chưa được kiểm soát tốt. Nguyên nhân, Thứ trưởng đề cập đến việc chúng ta lâu nay vẫn quen với truyền thống “dùi mài kinh sử”; sĩ số học sinh đông; điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất còn thiếu, học sinh mong muốn học trường tốt nên tạo áp lực cạnh tranh; bệnh thành tích; sự phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội chưa tốt, nhiều gia đình vẫn phó mặc cho nhà trường; một bộ phận thầy cô đứng trước lằn ranh giữa trách nhiệm và lợi ích trong dạy học thêm; công tác quản lý giáo dục ở các cấp có lúc chưa tốt, chưa cương quyết.

Từ thực tiễn triển khai, Thứ trưởng cho rằng, nơi nào thực hiện tốt Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT quy định về dạy, học thêm, địa phương đó triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT thuận lợi, nhẹ nhàng hơn.

Sau 1,5 tháng thực hiện Thông tư 29, Thứ trưởng chỉ ra 6 kết quả nổi bật.

Một là, chúng ta làm rất tốt công tác truyền thông, phổ biến Thông tư 29 từ các cấp: trung ương, địa phương, các nhà trường. Ngay khi Thông tư 29 chỉ mới là dự thảo, nhiều hiệu trưởng đã họp toàn thể giáo viên, họp phụ huynh để thống nhất và có dự lệnh rất sớm. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp phối hợp với Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo chí để truyền thông đồng bộ, phổ biến, giải thích cho nhân dân, tạo ra diễn đàn công khai, nhìn nhận một cách đa chiều, khách quan.

Hai là, tạo ra được một tinh thần đồng tâm, đồng thuận và tính hành động cao. Vì thấu hiểu nên đồng tâm, đồng thuận. Thông tư 29 mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân văn cho giáo dục, đào tạo, cho chính học sinh, chính thầy cô giáo và chính nền giáo dục của chúng ta. Và việc đồng tâm, đồng thuận tạo ra tính hành động cao, tạo ra những mô hình, cách làm hay; hoạt động dạy học trong nhà trường không bị gián đoạn và học sinh cũng đa dạng hóa hoạt động học, phát triển năng lực tự học. Tính hành động cao còn thể hiện ở việc các địa phương đều thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và qua nhiều kênh khác để nắm tình hình; đồng thời kiên quyết xử lý sai phạm.

Ba là, Thông tư 29 tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và đủ mạnh theo đúng thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.

Bốn là, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, ý kiến của các chuyên gia, nhìn nhận về Thông tư một cách đa chiều, càng thấy được hệ lụy của việc dạy thêm học thêm, làm phương hại đến ngành Giáo dục. Đơn cử như học sinh triệt tiêu tinh thần, phương pháp tự học, sự lệ thuộc vào thầy cô; giáo viên ảnh hưởng đến sinh hoạt chuyên môn, không đảm bảo quỹ thời gian để tự học, tự bồi dưỡng…

Năm là, qua nghiên cứu, để chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Một Thông tư chưa thể giải quyết được hết các vấn đề cụ thể.

Sáu là, một số băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 29 của các Sở GD&ĐT đã được giải thích để đạt được những kết quả như mong muốn.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (giữa) chủ trì hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Ảnh: Trần Hiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (giữa) chủ trì hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Ảnh: Trần Hiệp.

Không đánh trống bỏ dùi, làm cương quyết, làm thường xuyên

Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, để thực hiện tốt Thông tư 29, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, cần đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, về chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy cô; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương thức ra đề thi; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học; hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, AI… để học sinh là người thụ hưởng.

Về tăng cường cơ sở vật chất, theo Thứ trưởng, đây là vấn đề lâu dài, vừa là trách nhiệm của Sở GD&ĐT tham mưu, vừa là căn cứ để các địa phương bằng ngân sách nhà nước, xã hội hóa, tăng cường trường lớp cho học sinh. Cố gắng kéo gần khoảng cách chất lượng giữa các trường để không dẫn đến sự cạnh tranh, tạo áp lực cho học sinh, phụ huynh.

Thứ trưởng cũng nhắc đến giải pháp sử dụng giáo viên một cách phù hợp; tuyên truyền, vận động; phát huy lòng tự tôn, tự trọng của nhà giáo…

Khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ kiên trì thực hiện “5 không” và “4 đề cao”, Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp lại tất cả các ý kiến, ghi nhận, rà soát, tiếp thu, và dự kiến trong tháng 5 sẽ ban hành hướng dẫn thay thế văn bản cũ về dạy học buổi 2; cần thiết sẽ rà soát Điều lệ nhà trường; quy định về kiểm tra đánh giá để thực hiện đồng bộ…

Để thực hiện tốt Thông tư này, Bộ GD&ĐT đã có nhiều dự lệnh. Bộ cũng sẽ có kênh tiếp nhận và phản ảnh về dạy thêm, học thêm.

Hoan nghênh các đơn vị, các Sở GD&ĐT đã quyết liệt, thực hiện đúng tinh thần không đánh trống bỏ dùi, làm cương quyết, làm thường xuyên, Thứ trưởng mong muốn, các Sở GD&ĐT, các nhà trường, thầy cô đã làm tốt, đã quyết liệt, cần tốt hơn nữa. Khó khăn vướng mắc sẽ cùng rà soát, tháo gỡ để quản lý công tác này tốt hơn và đúng mục tiêu.

Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn theo tinh thần, trách nhiệm của địa phương. Chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan không còn là dự lệnh, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành. Đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm; mệnh lệnh vì chất lượng học sinh; mệnh lệnh để giáo dục học sinh phát triển toàn diện; mệnh lệnh thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, theo yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho các em học sinh.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta quyết tâm, nghiêm khắc với những vi phạm, không buông lỏng, không thỏa hiệp, không đánh trống bỏ dùi. Đề nghị các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tốt Thông tư 29 mang lại giá trị nhân văn rất tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cái chung.

Công tác này, theo Thứ trưởng, phải hết sức kiên trì, bền bỉ. Trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn nên phải thường xuyên thông tin, cập nhật, phải có quan điểm rõ ràng, có phương pháp làm việc phù hợp, thấu lý, đạt tình, kiên quyết; chưa vội hài lòng với kết quả đạt được, mà tiếp tục lắng nghe, tiếp tục phối hợp với các Sở GD&ĐT, cùng với Bộ GD&ĐT để chăm lo tốt cho công việc này.

Thứ trưởng đánh giá cao các Sở đã có nhiều kết quả rất cụ thể; cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã phản ánh đa chiều để Bộ GD&ĐT càng thấu hiểu hơn những vướng mắc ở cơ sở, hiểu hơn những hệ lụy của dạy thêm học thêm và quyết tâm làm tốt, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây có bài viết hết sức sâu sắc về tự học và học tập suốt đời; trong đó nêu thực trạng học thêm theo phong trào và tình trạng sính bằng cấp. Vì thế, trách nhiệm, sứ mệnh của ngành Giáo dục là làm sao để thực trạng đó giảm đi, tiến tới không còn nữa. Không chỉ là dạy kiến thức phổ thông, dạy kiến thức văn hóa trong nhà trường, mà phải giáo dục học sinh phát triển toàn diện đức, trí, thể, mĩ”, Thứ trưởng chia sẻ.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Trần Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-thong-tu-29-voi-tinh-than-dong-tam-dong-thuan-tinh-hanh-dong-cao-post724952.html