Triển khai Thông tư liên tịch về phối hợp quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ
Chiều 10/11, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến 'Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 1/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ'.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện một số bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo, trưởng phòng các đơn vị, Cục nghiệp vụ an ninh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ Công an; Thủ trưởng cơ quan CSĐT, ANĐT Công an cấp tỉnh, cấp huyện...
Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đại diện lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên trong lĩnh vực hình sự Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực…
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Công an (47 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội) tới các điểm cầu trong toàn hệ thống.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao đã giới thiệu nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT.
Theo đó, Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT ngày 1/6/2020 gồm 3 chương, 18 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong thực hiện các hoạt động theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cụ thể đó là các hoạt động quản lý, giải quyết vụ việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quản lý, giải quyết vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án.
Quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Tiếp đó, đồng chí Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã quán triệt một số nội dung cơ bản thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT đối với cơ quan có thẩm quyền điều tra trong Công an nhân dân; đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng Vụ 4, VKSND tối cao quán triệt một số nội dung cơ bản thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT trong ngành KSND.
Hội nghị cũng nghe đại diện Bộ Công an, VKSND tối cao giải đáp một số vướng mắc liên quan đến việc quản lý giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ và việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho biết, việc ban hành và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan trong quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Cảm ơn Bộ Công an và các đơn vị liên quan thời gian qua đã phối hợp hiệu quả với VKSND tối cao để Thông tư liên tịch được ban hành, để VKSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch phải bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phải được thực hiện thường xuyên, bảo đảm giải quyết vụ án, vụ việc nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật. Đồng thời, bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi ngành.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt nội dung Thông tư đến toàn thể đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong cơ quan, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong năm 2020 và năm 2021.
Đồng thời, quá trình thực hiện cần tuân thủ các nội dung của Thông tư liên tịch, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp rà soát số vụ án tạm đình chỉ đang quản lý. Quá trình phối hợp thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kiến nghị, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ, từ đó góp phần đưa Thông tư vào thực tiễn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, cùng với các đạo luật mới về tư pháp được ban hành và có hiệu lực, liên ngành Trung ương cũng đã ban hành các Thông tư liên tịch có liên quan, trong đó có Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, việc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT ngày 1/6/2020 giữa Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ có ý nghĩa rất lớn và đã được nghiên cứu thấu đáo trước khi ban hành, tạo cơ sở pháp lý và giúp cho các cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Đây cũng là yêu cầu của Quốc hội đối với các cơ quan tư pháp trong quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng khẳng định, sau một buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, tích cực, nghiêm túc, Hội nghị đã đạt được yêu cầu, mục đích đề ra. Việc tổ chức Hội nghị nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, Điều tra viên, Kiểm sát viên hai Ngành nắm vững các nội dung của Thông tư liên tịch, từ đó áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.
Đề nghị các cơ quan cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện Thông tư liên tịch, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị thời gian tới, hai ngành Công an - Kiểm sát tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc rà soát, quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; có đánh giá hàng tháng, hàng quý; đồng thời, lãnh đạo hai Ngành sẽ bàn bạc, có kế hoạch lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đánh giá về công tác này.