Triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 4/11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Các đại biểu dự tại điểm cầu Phú Thọ

Dự tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Lâm – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp. Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội khóa XV đều khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV. Chính vì thế, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, giám sát phải khoa học, tổ chức giám sát phải chặt chẽ. Cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh. Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 09/2021/QH15, ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15, ngày 5/8/2021 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và Kế hoạch triển khai nhằm tạo sự thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện. Các nội dung trong chương trình giám sát phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao hai chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hai chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, bốn Đoàn giám sát đã nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Trưởng đoàn giám sát. Đáng chú ý, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số điểm mới so với thông lệ trước đây. Đó là nghị quyết thành lập Đoàn giám sát ban hành không kèm theo kế hoạch mà đưa một số nội dung chính như: Phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; đồng thời, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng đoàn giám sát ký ban hành.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở quá trình thực hiện giám sát giai đoạn trước, đại biểu các Bộ, ngành địa phương đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát. Đối với các chuyên đề giám sát lần này, nhiều ý kiến đã làm rõ việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gắn liền với kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan Kiểm toán nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai bốn chuyên đề giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quỳnh Chi

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/202111/trien-khai-thuc-hien-chuong-trinh-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-180750