Triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Năm 2014, bám sát Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về 'Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế', Chính phủ xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GD phổ thông và Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 88 để thực hiện.

 Cán bộ, giáo viên tìm hiểu các bộ SGK lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục. Ảnh: NV

Cán bộ, giáo viên tìm hiểu các bộ SGK lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục. Ảnh: NV

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, trong đó có Chỉ thị số 16 ngày 18/6/2018 về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 ban hành chương trình GD phổ thông và nhiều văn bản hướng dẫn, quy định để thực hiện. Theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, chương trình GD phổ thông được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2020- 2021 đối với lớp 1, từ năm học 2021- 2022 đối với lớp 2 và lớp 6, từ năm học 2022- 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, từ năm học 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11, từ 2024- 2025 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Để thực hiện việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đạt kết quả, ngày 10/6/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chỉ thị số 25 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Trưởng Phòng GD tiểu học- GD mầm non, Sở GD&ĐT Quảng Trị Phan Hữu Huyện cho biết, ngày 20/12/2019, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai chương trình GD phổ thông năm 2018 cho cán bộ quản lí cấp tiểu học. Hội nghị này, lãnh đạo Sở GD&ĐT xác định, thời gian qua, phòng GD&ĐT tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác truyền thông về đổi mới chương trình GD phổ thông. Thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GD phổ thông cấp huyện; tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết của trung ương về nội dung này để các cấp, ngành nắm được mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng các trường chủ động tuyên truyền, giới thiệu chương trình GD phổ thông năm 2018 đến cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương; đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt theo định hướng đổi mới chương trình GD phổ thông; tham mưu các cấp đảm bảo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kĩ thuật, nhân lực; thành lập hội đồng tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 theo đúng tiêu chí hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trong quá trình triển khai, tập trung cao nhất để thực hiện có chất lượng các phần việc, nhất là chuẩn bị sẵn sàng điều kiện thực hiện chương trình, trước hết là lớp 1 từ năm học 2020- 2021. Mỗi cán bộ quản lí, giáo viên thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; mỗi cơ sở GD chủ động, sáng tạo để có những mô hình mới, cách làm hay từ thực tiễn, qua đó trao đổi, học tập lẫn nhau và nhân rộng trong ngành.

Trưởng Phòng GD tiểu học- GD mầm non, Sở GD&ĐT Phan Hữu Huyện cho biết thêm, điểm mới của chương trình GD phổ thông năm 2018 là giao quyền chủ động cho cơ sở GD trong việc lập kế hoạch GD của nhà trường. Do đó, hiệu trưởng phải chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch GD hằng năm phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, của địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể trong quá trình triển khai đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với việc rà soát đội ngũ và cơ sở vật chất thực hiện chương trình GD phổ thông mới, Sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT, các trường học sắp xếp đảm bảo đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo lộ trình thực hiện ở lớp 1 từ năm học 2020- 2021 và những năm tiếp theo đối với cấp tiểu học, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ ngày, 9 buổi/tuần.

Thực hiện rà soát, sắp xếp cơ sở GD có nhiều điểm trường lẻ để tổ chức lại các điểm trường hợp lí nhất, nhân rộng mô hình trường bán trú tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học, đồng thời có điều kiện tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện chương trình GD phổ thông mới.

Chương trình GD phổ thông năm 2018 có thêm những môn học bắt buộc như Tin học, Ngoại ngữ, mặt khác hình thức tổ chức dạy học, GD đối với các môn học và các hoạt động GD cũng có những thay đổi căn bản. Đây là yêu cầu có tính chất pháp lệnh, điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ sở GD và địa phương. Vì vậy, phòng GD&ĐT, nhà trường rà soát, tính toán, tham mưu bổ sung, cải tạo các hạng mục còn thiếu để đảm bảo học sinh tất cả các khối lớp trong nhà trường được học đầy đủ các môn học và hoạt động GD bắt buộc theo quy định của chương trình.

Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ số lượng biên chế viên chức sự nghiệp GD hằng năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó, phòng GD&ĐT chủ động rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu đội ngũ cho từng cơ sở GD theo đúng quy định hiện hành, tuyển dụng hết số người làm việc ở các vị trí còn thiếu; đồng thời có phương án điều chuyển, sắp xếp, bố trí giảng dạy linh hoạt để đảm bảo thực hiện chương trình các môn học và hoạt động GD bắt buộc theo đúng quy định.

Hiện nay, Sở GD&ĐT đang đẩy mạnh công tác chỉ đạo bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên về chương trình, SGK GD phổ thông mới. Theo đó, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lí, giáo viên theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã ban hành; động viên, khuyến khích giáo viên tích cực tham gia kênh tập huấn qua mạng của Bộ GD&ĐT, các diễn đàn chia sẻ chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới. Các phòng GD&ĐT bố trí đảm bảo 100% giáo viên giảng dạy lớp 1 năm học 2020- 2021 phải được bồi dưỡng đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Từ năm học 2020- 2021, đối với cấp tiểu học đồng thời phải thực hiện hai chương trình: Chương trình hiện hành (theo Quyết định 16 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) và chương trình GD phổ thông năm 2018 (theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT) theo hướng từng khối lớp tiến dần qua các năm học cho đến hết năm học 2024- 2025. Vì vậy, trên cơ sở định hướng chung của đổi mới chương trình GD phổ thông mới là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận này sẽ chi phối và bắt buộc tất cả các khâu của quá trình dạy học phải thay đổi như nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử; việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn, cách thức quản lí và thực hiện nhằm tạo lộ trình đổi mới đồng bộ, vững chắc, hiệu quả. Sở GD&ĐT đã phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu SGK lớp 1 với 32 cuốn thuộc 5 bộ sách đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Việc lựa chọn SGK, trước mắt hiệu trưởng các trường nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến góp ý Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở thông tư và các văn bản hướng dẫn của bộ, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường lựa chọn SGK theo đúng quy định. Các trường cần chủ động có phương án xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung, đảm bảo 100% học sinh có SGK để học tập…

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145557