Triển lãm 'Cảnh vệ Công an nhân dân – 70 mùa hoa chiến công'

Ngày 31/1 tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) tổ chức lễ khai mạc triển lãm 'Cảnh vệ CAND – 70 mùa hoa chiến công', trao giải cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài 'Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND' và cuộc thi viết 'Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam'.

Dự buổi Lễ có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ CAND.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Trần Hải Quân - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thay mặt lãnh đạo và toàn thể cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và các ban ngành, đoàn thể đã luôn tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong suốt những năm qua.

Lực lượng Cảnh vệ chính thức thành lập ngày 16/2/1953 theo Sắc lệnh số 141/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng những tổ chức tiền thân đã được ra đời từ khi Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, đặc biệt rõ nét từ khi Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1941.

Trưng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Trưng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được sự giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự tin yêu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành và nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện sự “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng. Ghi nhận thành tích đã đạt được, lực lượng Cảnh vệ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý…

Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức triển lãm “Cảnh vệ CAND – 70 mùa hoa chiến công”. Triển lãm giới thiệu hơn 200 bức ảnh, hiện vật, trong đó có nhiều hình ảnh lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, nhằm giới thiệu khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam. Triển lãm gồm 4 nội dung: Bác Hồ với chiến sĩ Cảnh vệ; Những mùa hoa chiến công; Tiếp tục xây dựng lực lượng Cảnh vệ CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Vinh dự, tự hào lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam.

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động, ảnh nghệ thuật và các sáng tác âm nhạc, văn học về hình tượng “Người chiến sĩ Cảnh vệ CAND” của các tác giả trong và ngoài lực lượng CAND; các tác phẩm đạt thành tích cao trong cuộc thi viết “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam”.

Tại lễ khai mạc triển lãm "Cảnh vệ Công an nhân dân – 70 mùa hoa chiến công", BTC đã tiến hành trao giải cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND” và cuộc thi viết “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam”.

Theo đó, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 700 bài thi viết “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam” và 232 tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND”.

Về cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ CAND”, với sự phối hợp của Nhà xuất bản Công an nhân dân, Cục Truyền thông Công an nhân dân và sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, các buổi gặp mặt, tiếp xúc với văn nghệ sỹ ở cả 2 miền Nam, Bắc đã được tổ chức; cùng với đó đã tổ chức thành công Trại sáng tác tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh tại Ba Vì, Hà Nội.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trao Chứng nhận của Ban Tổ chức tặng các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trao Chứng nhận của Ban Tổ chức tặng các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao.

Trong lĩnh vực văn học, Ban Tổ chức đã tiếp nhận tổng cộng 132 tác phẩm thuộc 3 thể loại: Truyện ngắn, ký và thơ. Nhìn chung, các tác phẩm đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tập trung phản ánh chân thực, tái hiện sinh động cuộc sống, với những câu chuyện đời thường và những chiến công, thành tích nổi bật của người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân. Thông qua các tác phẩm, công chúng cảm nhận được những phẩm chất cao đẹp, tuyệt đối trung thành của người lính Cảnh vệ, sẵn sàng đối diện với mọi thử thách, khắc phục khó khăn để luyện tập, chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mục tiêu trọng yếu của Trung ương, Chính phủ và các đoàn khách quốc tế, các sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam…

Nổi bật, ở thể loại truyện ngắn có các tác phẩm “Phía khuất” của Trung tá Bùi Tuấn Minh, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I; “Sắc lá trung quân” của tác giả Nguyễn Hiệp, tỉnh Bình Thuận; “Người thầy đầu tiên” của tác giả Trần Quỳnh Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh; “Cận vệ” của nhà văn Đào Trung Hiếu, Báo Công an nhân dân; “Hẹn với K71” của tác giả Nguyễn Anh Thư, Hà Nội.

Các vị khách tham quan triển lãm

Các vị khách tham quan triển lãm

Ở thể loại truyện ký, hồi ký có các tác phẩm “Năm Gấu”, tác giả Lê Duy Nghĩa, Hà Nội; “Chuyện về người lính Cảnh vệ”, tác giả Nguyễn Như Phong, Hà Nội; “Chuyện đời thường của một người lính Cảnh vệ”, tác giả Nguyễn Đình Hậu, Kiên Giang; “Bảo vệ ông Hai già”, tác giả Phạm Bạn, Nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Ở thể loại thơ gồm: Chùm thơ “Tròn bóng nắng”, tác giả Thiếu tá Phạm Vân Anh, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng; chùm thơ của tác giả Lữ Mai, Hà Nội, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân; chùm thơ của tác giả Trang Thanh, Hà Nội, nguyên Thư ký Tòa soạn Gia đình và Trẻ em.

Đối với lĩnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh, trong số gần 100 tác phẩm tham dự cuộc thi, Ban Giám khảo cũng đã lựa chọn được 29 tác phẩm để trao giải thưởng. Tiêu biểu phải kể đến đó là: Thể loại âm nhạc với tác phẩm “Luôn xứng đáng là 'Thanh bảo kiếm'”, tác giả Thượng tá, Nhạc sỹ Nguyễn An Hiếu - Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; “Phía sau những bình yên”, tác giả Quách Thái Duy, Cà Mau; “Tự hào Lá chắn thép”, tác giả: thơ Đào Trung Hiếu; nhạc Quỳnh Lệ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Thể loại nhiếp ảnh nổi bật là các tác phẩm: “Quên mình bảo vệ yếu nhân”, tác giả: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Thu Hà, hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội; “Cảnh giới” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Hà, hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam; “Niềm vui phục vụ nhân dân” của Thượng úy Trần Tiến Thành, cán bộ Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ…

Tổng kết Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật, Ban Tổ chức đã trao 70 giải thưởng ở các thể loại truyện ngắn, truyện ký, hồi ký, thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, với 4 giải A, 11 giải B, 19 giải C, 36 giải Khuyến khích.

Đối với cuộc thi viết “Tìm hiểu 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân Việt Nam”, với tổng cộng 700 bài viết có chất lượng nộp về Ban Tổ chức đã thể hiện được sự nghiêm túc trong nghiên cứu, biên soạn, tính khoa học của người viết; có nhiều tư liệu quý về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh vệ lần đầu được hệ thống một cách khoa học, theo trình tự thời gian. Hầu hết các bài viết được đầu tư công phu, với nhiều góc nhìn khác nhau về công tác cảnh vệ và những thành tích, chiến công, những tấm gương điển hình của lực lượng Cảnh vệ qua các thời kỳ…

Kết quả chung cuộc, Ban Giám khảo cuộc thi viết đã trao 47 giải thưởng cho các tác giả và nhóm tác giả gồm: 5 giải A, 10 giải B, 15 giải C, 17 giải Khuyến khích và có 11 giải thưởng được trao cho các tập thể gồm: 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Một số bức ảnh và hiện vật tại triển lãm:

Xe đạp cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ

Xe đạp cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ

Máy thu phát tín hiệu cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát, Đoàn 180 thu được khi địch thả xuống căn cứ Trung ương Cục miền Nam để thu thập tín hiệu

Máy thu phát tín hiệu cán bộ, chiến sĩ Đại đội trinh sát, Đoàn 180 thu được khi địch thả xuống căn cứ Trung ương Cục miền Nam để thu thập tín hiệu

Thùng đựng tài liệu cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ

Thùng đựng tài liệu cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trien-lam-canh-ve-cong-an-nhan-dan-70-mua-hoa-chien-cong-post529743.antd