Triển lãm gây sốc khi cho AI 'xin lỗi vì hủy diệt loài người'

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng tới mức một bảo tàng ở San Francisco (Mỹ) đã khắc họa lễ tưởng niệm gây tranh cãi 'về sự diệt vong của loài người'.

 Cô Audrey Kim và tác phẩm "Cái ôm kẹp giấy" tại Bảo tàng Misalignment. Ảnh: AFP.

Cô Audrey Kim và tác phẩm "Cái ôm kẹp giấy" tại Bảo tàng Misalignment. Ảnh: AFP.

“Ý tưởng của bảo tàng là chúng ta đang ở trong một thế giới hậu tận thế, nơi trí thông minh nhân tạo nói chung đã hủy diệt phần lớn nhân loại”, Audrey Kim - người phụ trách Bảo tàng Misalignment, triển lãm về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) - chia sẻ với AFP.

"Nhưng sau đó, AI nhận ra điều đó thật tồi tệ và tạo ra lễ tưởng niệm con người. Do đó, thông điệp cho triển lãm của chúng tôi là ‘xin lỗi vì đã giết chết hầu hết nhân loại’”, cô nói.

Theo Wired, Misalignment chứa nhiều câu chuyện nghệ thuật về AI và tác phẩm nghệ thuật tạo ra với sự hỗ trợ của AI. Cô Kim nói bảo tàng có mục đích khơi dậy các cuộc thảo luận về tác động bất ổn của loại công nghệ được đánh giá là “thông minh”. Triển lãm chia thành 2 tầng, với tầng trên là tầm nhìn lạc quan về tương lai, còn tầng dưới là viễn cảnh thế giới loạn lạc.

Trí tuệ tổng hợp nhân tạo (AGI) là khái niệm thậm chí còn mơ hồ hơn cả AI và đang dần đi vào cuộc sống của con người, với sự xuất hiện của các ứng dụng như ChatGPT hay chatbot của Bing. AGI được định nghĩa là “trí tuệ nhân tạo có thể làm mọi thứ con người có thể làm", tích hợp khả năng nhận thức của con người vào máy móc.

 Thông điệp cho triển lãm của Bảo tàng Misalignment là "xin lỗi vì đã giết chết hầu hết nhân loại". Ảnh: Misalignment Museum.

Thông điệp cho triển lãm của Bảo tàng Misalignment là "xin lỗi vì đã giết chết hầu hết nhân loại". Ảnh: Misalignment Museum.

Sam Altman - người sáng lập OpenAI và tạo ra ChatGPT - cho biết AGI, nếu được thực hiện đúng cách, có thể nâng tầm nhân loại và thay đổi khả năng giới hạn. Tuy nhiên, cô Kim muốn phản ánh về sự nguy hiểm khi đi “quá xa, quá nhanh” trong lĩnh vực này.

Cô Kim đặc biệt thích tác phẩm "Cái ôm kẹp giấy", khi 2 bức tượng bán thân ôm nhau và được làm hoàn toàn bằng kẹp giấy. Tác phẩm đề cập đến phép ẩn dụ của triết gia Nick Bostrom, khi vào những năm 2000 đã tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu AI được lập trình để tạo ra kẹp giấy.

“Nó có thể ngày càng mạnh mẽ và liên tục tối ưu hóa nhằm đạt được mục tiêu duy nhất, đến mức hủy diệt toàn bộ nhân loại, tràn ngập thế giới bằng kẹp giấy”, cô Kim giải thích.

Cô Kim hy vọng triển lãm này sẽ được mở lâu dài với nhiều không gian và sự kiện hơn.

“AI sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Do đó với tôi, vấn đề là làm thế nào để càng nhiều người bắt đầu nghĩ về nó và hình thành ý kiến của riêng họ”, cô nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trien-lam-gay-soc-khi-cho-ai-xin-loi-vi-huy-diet-loai-nguoi-post1411345.html