Triển lãm IEAE thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi công nghiệp
Triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình quốc tế hóa của ngành điện tử Việt Nam, mở rộng thị trường hợp tác kinh doanh và đầu tư…
Sáng 30/10, Triển lãm IEAE đã chính thức được khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (I.C.E). IEAE 2024 với diện tích trưng bày 6.000m2, thu hút hơn 260 đơn vị đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Triển lãm dự kiến sẽ thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan và các chuyên gia trong ngành.
MỞ RỘNG CÁNH CỬA PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Tham dự lễ khai mạc Triển lãm IEAE có ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD; ông Mo Si Jian, Phó chủ tịch Tập đoàn Triển lãm ChaoYu cùng rất nhiều các vị đại biểu là lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp... của Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam lần lượt đạt 57,3 tỷ USD và 88 tỷ USD. 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng này lần lượt đạt 52,8 tỷ USD và 79,1 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nâng lên một tầm cao mới, sau khi hai nước nhất trí cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung có ý nghĩa chiến lược”. Điều này chắc chắn sẽ tạo thêm nền tảng vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh; qua đó củng cố và nâng tầm hơn nữa mối quan hệ đối tác hàng đầu của nhau trong lĩnh vực kinh tế, thương mại vốn đã được thiết lập từ nhiều năm qua.
“Triển lãm IEAE sẽ là dịp tốt để cộng đồng DN trong nước tăng cường giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác chuyên sâu với đối tác quốc tế, gia tăng kết nối toàn cầu, mở rộng thị trường và cải tiến sản phẩm trong lĩnh vực điện tử và thiết bị thông minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện tử và thiết bị thông minh tại Việt Nam”, ông Sơn khẳng định.
Ông Mo Si Jian, Phó chủ tịch Tập đoàn Triển lãm ChaoYu chia sẻ, triển lãm lần này quy tụ những sản phẩm mới nhất, công nghệ tiên tiến nhất từ hơn 200 thương hiệu và nhà máy nghiên cứu, sản xuất đến từ Việt Nam, Hàn Quốc và hơn 16 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc, mang đến cho các đối tác nhiều cơ hội học hỏi và hợp tác có giá trị.
“Việc tổ chức thành công Triển lãm IEAE sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình quốc tế hóa của ngành điện tử Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi công nghiệp, tiếp thêm sức sống mới cho sự thịnh vượng và phát triển của ngành điện tử và thiết bị thông minh của Việt Nam nói riêng và cả toàn cầu nói chung. Triển lãm sẽ mang đến cho các đơn vị và khách tham quan cơ hội học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm điểm chung, một cơ hội có giá trị”, ông Mo Si Jian bày tỏ kỳ vọng.
Tại sự kiện, các vị khách mời đã cùng nhau nhấn nút, chính thức khai mạc chuỗi sự kiện tại Triển lãm IEAE 2024.
CƠ HỘI BỨT PHÁ CHO DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT VIỆT NAM
Sau khi tham dự buổi lễ khai trương và cùng đoàn VIP Tour tham quan một số gian hàng tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực VACOD đã bày tỏ sự tán dương trước quy mô ấn tượng của buổi triển lãm. Bà Thủy đánh giá cao vai trò của Triển lãm IEAE khi đã tạo ra cơ hội phát triển cho các ngành hàng sản xuất của Việt Nam, tạo ra một “sân chơi” cạnh tranh công bằng với các sản phẩm công nghệ, thiết bị thông minh nước người.
“Triển lãm IEAE là sự kiện thường niên được tổ chức, đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất trưng bày sản phẩm mà còn là cơ hội để hàng tiêu dùng ứng dụng công nghệ thông minh của Việt Nam được các đối tác nước ngoài biết đến nhiều hơn”.
Đánh giá về các sản phẩm điện tử, thiết bị thông minh được sản xuất tại Việt Nam, bà Thủy nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam đã thích nghi được xu thế phát triển toàn cầu. “Các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động nghiên cứu, các sản phẩm có sự đa dạng về mẫu mã, tính năng. Đặc biệt, các sản phẩm, thiết bị thông minh sản xuất tại Việt Nam sẽ được kiểm định qua các quy chuẩn quy định trong nước nên hoàn toàn phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam”, Phó Chủ tịch thường trực VACOD chia sẻ thêm.
Theo đại diện Ban tổ chức, Triển lãm IEAE thu hút nhiều công ty, thương hiệu nổi tiếng. Đơn cử, trong ngành thiết bị gia dụng có sự tham gia của Bear Electric Co., Ltd (BEAR), Foshan Shunde Stelang Electric Appliance Co., Ltd, Cixi Beilian Electrical Appliance Co., Ltd.
Bên cạnh đó, đại diện Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng khá lớn đối với ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với xu thế toàn cầu.
Tham dự trưng bày tại IEAE 2024, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (công ty Rạng Đông) đã mang đến những thiết bị, hàng tiêu dùng được cải tiến theo công nghệ thông minh. Giữa bối cảnh nhiều sản phẩm giá rẻ, có xuất xứ không rõ ràng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn tự tin giữ vững vị trí tại thị trường trong nước.
Nói về bí quyết thích nghi với bối cảnh công nghệ phát triển như vũ báo, tại IEAE 2024, chị Quỳnh Nga, đại diện truyền thông công ty Rạng Đông chia sẻ: “Rạng Đông đã kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường và nhanh chóng định hướng phát triển hai dòng sản phẩm là sản phẩm thường và sản phẩm thông minh. Để cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử, Rạng Đông đã chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên giá thành sẽ rất phù hợp với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số trong từng khâu nghiên cứu và sản xuất nên sản phẩm sẽ luôn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Về khâu tiêu thị, doanh nghiệp có lợi thế khi phát triển song song cả hai kênh online và offline. Đặc biệt, Rạng Đông sẽ tích cực hướng tới các đối tượng khách hàng chưa có nhiều điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại như người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số… để hầu hết các đối tượng khách hàng đều được tiếp cận các thiết bị thông minh”.
Ngoài ra, theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, với lợi thế “sân nhà”, các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Rạng Đông sẽ có lợi thế hơn doanh nghiệp nước ngoài về phần hướng dẫn khách hàng sử dụng các thiết bị thông minh và bảo hành sản phẩm. Đây cũng là yếu tố quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Một số hình ảnh ghi lại tại sự kiện: