Triển lãm kể chuyện đời nữ lao động di cư

Với chủ đề đậm tính nhân văn và cách thể hiện sinh động, triển lãm 'Nơi tôi đến' (diễn ra đến hết ngày 20/4), là một sự kiện văn hóa để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với người dân Thủ đô và du khách đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: VTV)

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: VTV)

Kết hợp trưng bày hình ảnh với chiếu phim ngắn và sắp đặt bối cảnh ấn tượng, triển lãm là góc nhìn đa chiều về nỗi nhọc nhằn mưu sinh và tâm tư của các nữ lao động di cư từ nhiều địa phương khác nhau đến Hà Nội.

20 phụ nữ ngoại tỉnh trong độ tuổi từ 16 đến 34 đã được phỏng vấn, chụp ảnh, mời đến triển lãm để chia sẻ. Ở Hà Nội, họ làm đa dạng ngành nghề nhưng chủ yếu là lao động chân tay, như phục vụ quán ăn, giúp việc gia đình, bán hàng thuê, cắt tóc gội đầu, thu mua đồng nát, bán hàng rong...

Họ là người Kinh, người Tày, người Thái... từ nhiều vùng nông thôn nghèo hay miền núi xa xôi từ các tỉnh: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... chọn về Hà Nội để tìm cơ hội kiếm tiền, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và nuôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Phần thứ nhất của triển lãm có tên gọi "Nơi tôi đi", giới thiệu quê hương của các nhân vật cũng như những nguyên nhân khiến họ rời bỏ quê nhà: vì bố mẹ đau ốm, vì gia đình không có ruộng vườn, vì theo chồng đi làm trên thành phố…

Trong đó, Trương Thị Hoài Sương (16 tuổi, quê Hà Tĩnh) là nữ lao động di cư nhỏ tuổi nhất với hoàn cảnh khiến nhiều người cảm thấy xót xa khi em phải sớm bỏ dở việc học hành.

Phần thứ hai là "Nơi tôi đến", phản ánh phần nào cuộc sống của các nữ lao động di cư khi cố gắng bám trụ Hà Nội với nhiều khó khăn, thiệt thòi. Một không gian sắp đặt tại triển lãm tái hiện dãy phòng trọ mà họ thường chọn thuê: đa phần chật chội, tối tăm, không có đồ đạc gì, để giá thuê phòng rẻ nhất có thể. Một không gian khác mô phỏng vỉa hè khu phố cổ, nơi những phụ nữ lao động hằng ngày đầu tắt mặt tối đánh giày, bán hàng rong, thu gom phế liệu…

Và ở phần thứ ba với nội dung "Nơi ấy có tôi", mỗi bức ảnh gửi gắm một thông điệp về ước mơ của họ trong hành trình thích nghi với cuộc sống đô thị. Hầu hết suy nghĩ, nguyện vọng của những người phụ nữ di cư đều giản dị: trước tiên là sự cảm thông và tôn trọng của cộng đồng, thêm nữa là được tiếp cận và sử dụng không gian công cộng miễn phí để nghỉ ngơi, giải trí cùng người thân.

Triển lãm "Nơi tôi đến" đã gợi mở một số giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng sống cho nhóm nữ lao động di cư, cũng như giúp công chúng hiểu và quý trọng hơn sự hiện diện của những phụ nữ lao động nhỏ bé nơi phố thị thường ngày.

Có mặt và giao lưu với người xem tại buổi khai mạc triển lãm, chị Lê Thị Hoa (quê Thanh Hóa) không giấu nổi xúc động khi lần đầu tiên có cơ hội được quan tâm và lắng nghe.

Người phụ nữ bán bánh rán thường phải dậy từ 3 giờ rưỡi sáng để nặn bánh, rán bánh, rồi mang theo gánh hàng rong ruổi khắp phố phường Hà Nội cho đến tối mịt - ước tính khoảng 30 đến 40km đi bộ mỗi ngày, bất kể nắng mưa.

Trên con đường đó, chị chỉ có thể nghỉ chân ở các không gian công cộng như vườn hoa, ghế đá ven hồ, sân chung khu tập thể... Hồ Hoàn Kiếm, một không gian công cộng tiêu biểu của Hà Nội, là nơi mưu sinh của không ít nữ lao động di cư.

Có người bán hàng rong như chị Lê Thị Hoa, có người đánh giày như chị Ðỗ Thị Tươi (Thanh Hóa), có người làm nghề chụp ảnh dạo như chị Triệu Thị Thơm (Phú Thọ)… Nhiều người trong số họ bày tỏ mong ước được đi dạo cùng bạn bè, hoặc đưa chồng con đi ngắm phố, đi chơi công viên... Tuy nhiên, nhiều lý do cản trở họ: ít thời gian rảnh, sợ tốn kém, mặc cảm về xuất thân và ngoại hình, dễ tổn thương trước những lời bình phẩm…

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE kiêm điều phối viên Mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống" nhấn mạnh: "Với người dân thành phố, không gian công cộng là nơi vui chơi, hẹn hò, tập thể dục... còn với những người lao động di cư, đó còn là nơi dừng nghỉ trên chặng đường mưu sinh vất vả. Chúng tôi từng vận động chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức xã hội hỗ trợ cải tạo bãi rác ở tổ 16 phường Phúc Tân thành sân chơi, sau khi nhận thấy khu vực này có rất nhiều lao động di cư ở trọ bao gồm phụ nữ và trẻ em".

Theo một báo cáo tại Hội thảo khoa học "Nhóm phụ nữ di cư" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022, phụ nữ di cư bên cạnh nhu cầu kinh tế, tăng thu nhập, dạy nghề tạo việc làm thì còn mong muốn được cải thiện môi trường sống ở nơi di cư, trong đó có không gian công cộng.

20 nhân vật trong triển lãm "Nơi tôi đến" chỉ đại diện một phần nhỏ trong lực lượng nữ lao động di cư, song tiếng nói chung của họ đã đưa ra một vấn đề đáng lưu tâm của xã hội.

Ðó là tăng cơ hội bình đẳng và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho nhóm người được xem là yếu thế tại các đô thị lớn hiện nay. "Phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, so với nam giới, họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn ở nơi đến, cả về công việc và cuộc sống gia đình", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ tại triển lãm.

Bà Minh Hương cũng nêu ra một con số đáng chú ý là phụ nữ chiếm 55,5% số người di cư, theo kết quả tổng điều tra năm 2019. Riêng ở Hà Nội, có 32 phường, xã mà cứ 10 người thì có ít nhất 3 người là dân nhập cư.

Triển lãm "Nơi tôi đến" đã gợi mở một số giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng sống cho nhóm nữ lao động di cư, cũng như giúp công chúng hiểu và quý trọng hơn sự hiện diện của những phụ nữ lao động nhỏ bé nơi phố thị thường ngày.

Phó Giáo sư Denielle Labbé (Ðại học Montreal, Canada), một thành viên thực hiện triển lãm đã kết luận: "Ðáp ứng nhu cầu của những người phụ nữ di cư về không gian công cộng miễn phí cũng sẽ đồng thời thực hiện mong muốn của nhiều cư dân khác sống trong cùng khu vực, bao gồm người già, trẻ em, người khuyết tật, tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ các không gian xanh trong lòng thành phố".

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trien-lam-ke-chuyen-doi-nu-lao-dong-di-cu-post748130.html