Triển lãm mở 'Duyên nghiệp nhân sinh' tri ân cố điêu khắc gia Hà Minh Tuấn

Nhân dịp 49 ngày của điêu khắc gia Hà Minh Tuấn, bạn bè nghệ sỹ đã chung tay góp sức hoàn thành tâm nguyện ấy, gia đình, tổ chức một cuộc trưng bày nhỏ trong không gian ấm cúng của @À Bụt Studio.

Một số tác phẩm của Hà Minh Tuấn.

Một số tác phẩm của Hà Minh Tuấn.

Cuộc trưng bày mở mang tên “Duyên nghiệp nhân sinh” giới thiệu những tác phẩm còn lại của cố Điêu khắc gia Hà Minh Tuân (Hà Minh Tuấn - Tuấn sư: 1971-2023) trong không gian xưởng làm việc @À Bụt Studio (Tây Hồ, Hà Nội) với điêu khắc đa chất liệu và hơn 20 bức tranh sơn mài.

Sinh thời là một nghệ sỹ, điêu khắc gia Hà Minh Tuấn đã cháy hết mình cho đam mê nghệ thuật đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Từ thuở còn tràn đầy nhiệt huyết, anh đã ấp ủ ý tưởng về một triển lãm trưng bày những tác phẩm tâm huyết của mình.

Đến nay hội đủ nhân duyên, nhân dịp 49 ngày của anh, cùng với sự hỗ trợ và đồng hành của các anh chị em, bạn bè nghệ sỹ, chung tay góp sức hoàn thành tâm nguyện ấy, gia đình tổ chức một cuộc trưng bày nhỏ trong không gian ấm cúng của @À Bụt Studio, nơi anh đã sống và làm việc suốt thời gian qua.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1995 khoa Điêu khắc, Hà Minh Tuấn là nghệ sỹ tự do với nhiều công trình nội thất, điêu khắc đa chất liệu và sơn mài.

Từ 1999-2006, anh tu học tại Học viện Phật giáo Nguyên thủy Huyền Không (Huyền Không sơn thượng), quy y với pháp hiệu Chân Mỹ và nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo.

Với khoảng thời gian dài gắn liền với thiền tự nguyên thủy xứ Huế, anh thao thức về giác ngộ, suy tưởng về các bậc đại giác ngộ và mải miết tạo dựng tượng Phật bằng đất, bằng gỗ hay bất cứ nguyên liệu anh có.

Cũng bởi thế mà thời gian sau này, từ 2006, khi quay lại với đời, thành nghệ sỹ thị giác với nhiều hoạt động đa dạng, từ vẽ tranh sơn mài, điêu khắc ngoài trời, trong nhà, thiết kế nội thất, tác phẩm sắp đặt, tương tác trong không gian, có kết hợp âm thanh ánh sáng, chủ đề Phật giáo luôn thấm đẫm trong tác phẩm của anh.

Anh đã vẽ tích Phật lên đĩa gốm, làm tượng Phật cho đến những phút cuối của cuộc đời. Cũng bởi thế, anh tự thêm một dấu phết vào tên mình và có tên gọi Tuấn sư.

Không chỉ tu học mà nghiên cứu sâu về mỹ thuật Phật giáo, Hà Minh Tuấn từng chia sẻ khi tạc tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: Bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông có dáng dấp mềm mại nhưng đầy đặn, tròn trịa và khỏe khoắn không có cơ bắp. Đó là cơ thể của một người chủ về văn chương hơn là võ nghệ.

Miệng của tượng hơi vuông mà không thô, tỏ vẻ cương quyết mà buông xả, tai dày vừa bạt phong vừa định tĩnh, dái tai vừa phải. Mắt tượng tròn, sâu, sáng nhưng không xếch như mắt phượng, cặp lông mày cong và không gồ lên.

Đôi mắt mở to và nhìn về phía xa xăm, lột tả sự minh sang, nhu nhuyễn, tùy duyên thuận pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đôi mắt nhìn thẳng như đang nghe trình pháp hoặc chứng pháp cho ngài Pháp Loa chứ không phải ngồi thiền như những bức tượng nổi tiếng ở tháp Huệ Quang, chùa Hòa Yên, Yên Tử.

Trải nghiệm riêng của tác giả khi ở chùa lẫn thời gian nghiên cứu mỹ thuật đã khiến anh đưa ra quyết định này. Mũi của tượng tròn chảy xuống vừa phải nhưng sống mũi hơi khoằm, đỉnh mũi hình giọt lệ như nhân tướng chung của các bậc triết gia hay những người thường nghiền ngẫm suy tưởng. Ngón tay của tượng có khiếm khuyết bởi Phật Hoàng đã đốt 2 ngón tay để cúng dường chư Phật và tỏ rõ quyết tâm xuất gia.

Với mảng tượng danh nhân, Hà Minh Tuấn cũng để lại những tác phẩm xuất sắc như tượng đài Trịnh Công Sơn tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội, 2015), tượng chân dung đạo diễn Trần Văn Thủy (Nam Định, 2016), tượng Marie Curie cho trường Marie Curie (2017), tượng đài Phan Đình Phùng tại trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Nội, 2018), tượng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Nghệ An, 2023).

Chia sẻ về tên triển lãm, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết cố điêu khắc gia Hà Minh Tuấn làm gốm đã lâu, nhưng năm 2022 anh mới tham gia Câu lạc bộ Gốm Nghệ thuật Việt Nam và tập trung sáng tác tại khu làm việc của Câu lạc bộ tại Bảo tàng Gốm Bát Tràng suốt thời gian vừa qua.

 Một số tác phẩm của Hà Minh Tuấn

Một số tác phẩm của Hà Minh Tuấn

Anh ngã xuống rời xa cõi tạm khi đang làm gốm và để lại khoảng 50 đĩa gốm vẽ tích Phật và 7 pho tượng Phật dang dở. DUYÊN ấy thành NGHIỆP. Nối duyên, chị đã làm men, nung chuyến lò cuối và hồi hộp đón chờ, vui mừng khi chúng mang đậm tinh thần, ý thức và phong cách của anh.

Nối duyên mà chúng ta sẽ xem những tác phẩm của anh, những thứ đã được anh đặt tên, và những thứ anh mới chỉ kịp hình dung mà chưa gọi được tên, và bây giờ, sẽ được gọi là Duyên 1, Duyên 2, Duyên 3, Duyên vô thường tại một cuộc trưng bày cá nhân mang tên DUYÊN NGHIỆP NHÂN SINH.

Nhà báo An Lê, một người bạn của Điêu khắc gia Hà Minh Tuấn bình luận kể cũng đau xót khi Tuấn sư để lại mối duyên này cho chúng ta đan tiếp. Mới năm ngoái thôi, anh cũng ấp ủ rằng nếu đủ duyên thì năm nay hoặc năm sau sẽ ra một triển lãm tranh, tượng, điêu khắc cá nhân.

Giờ đây chính chúng ta lại phải làm điều đó thay anh, tại Open Solo mang tên Duyên Nghiệp Nhân Sinh được dùng để tiễn biệt anh. Đến bây giờ chúng ta mới nhắc đến tên anh là Hà Minh Tuân, thay vì là Tuấn mà anh tự phết vào tính danh mình. Nhưng dù là Tuân hay Tuấn, anh vẫn là con người đó, một con người như chúng ta từng biết, từng yêu quý, từng luôn nói về tứ vô lượng tâm METTÀ KARUNÀ MUDITÀ UPEKKHÀ.

Họa sỹ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, người học chung khóa với cố điêu khắc gia Hà Minh Tuấn tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ ở khu vườn nhỏ này, dường như vẫn còn nguyên ngọn lửa đam mê sáng tạo của người nghệ sỹ.

Bởi nhân duyên với đạo Phật, Hà Minh Tuấn có nhiều tác phẩm tâm huyết với Phật giáo từ năm 2000 tới hơi thở cuối cùng. Phật giáo nguyên thủy đã cho nghệ thuật của anh sự giản dị và mộc mạc trong hình hài các vị cao tăng, bồ tát và các vị chư Phật.

Phật giáo cũng cho anh cảm nhận được hư vô của kiếp người, cho anh hiểu sâu hơn ca từ của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn trở thành cảm hứng sáng tác của Hà Minh Tuấn với tác phẩm tượng đài Trịnh Công Sơn (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội).

Phật giáo cũng giúp Hà Minh Tuấn tạo nên những chiều sâu nội tâm cho những bức tượng chân dung bè bạn hay danh nhân. Đó là bức tượng chân dung người bạn Huế Lãng Xuân Hiển, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Trần Văn Thủy…

Nương tựa vào Phật pháp và cái Đẹp để dành tặng cho cuộc đời những tác phẩm CHÂN MỸ như pháp hiệu của anh, chan chứa tình đời, tình người.

Họa sỹ Trần Nhật Thăng, một người bạn thân, cũng đồng khóa với cố điêu khắc gia Hà Minh Tuấn tâm sự: Tôi đã nghe lỏm được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói thầm với thế nhân: ”…cái bắt tay nào cũng có thể là cái bắt tay cuối cùng.”

Sự có mặt của quý vị tại Duyên Nghiệp Nhân Sinh sẽ là niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ đang chơi vơi này, cũng là những phút giây quý giá trong dòng chảy vô thường đối với chính chúng ta khi cùng đắm chìm trong không gian nghệ thuật anh để lại tại xưởng điêu khắc nơi anh đã sống và làm việc nhiều năm qua.

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CỐ ĐIÊU KHẮC GIA HÀ MINH TUÂN (Hà Minh Tuấn - Tuấn sư)

Sinh năm 1971, mất năm 2023

1990-1995: Học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật Khoa Điêu khắc.

1995-1999: Nghệ sỹ tự do

1999-2006: Tu học tại Học viện Phật giáo Nguyên thủy Huyền Không.

Nghiên cứu Mỹ thuật Phật Giáo Hương Hồ Hương Trà, thành phố Huế

2006-nay: Nghệ sỹ thị giác tự do

HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT

1998-1999: Thiết kế nội thất và sắp đặt Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Phòng không-Không quân Việt Nam

2000: Tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, tác phẩm Tình Cổ Độ

2005: Tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm Sen trong mưa

2006: Triển lãm nhóm 2 người A! BỤT tại Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế (Sắp đặt Tượng-Cát và tranh sơn mài).

2006: Triển lãm chung SONG NAM tại trung Tâm nghệ thuật XQ - Huế (Tranh sơn mài).

2008: Tổ chức và tham gia chương trình cộng đồng trẻ thơ – NGÔI NHÀ CỦA BÉ.

2009: Tượng tròn ngoài trời IM LẶNG HY LẠP - thành phố Đà Nẵng

2011: Triển lãm tác phẩm sơn mài ĐƯỢC MÙA PHẬT GIÁO

2012: Triển lãm tranh sơn mài NHỊP MƯA TRẦM tại Festival Huế

2014: Thiết kế tượng trang trí tiền sảnh cho Trung tâm Thương mại CTM - Hà Nội

2015: Phác thảo tượng đài Trịnh Công Sơn tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn - Hà Nội

2016: Tượng chân dung Đạo diễn Trần Văn Thủy

2017: Thiết kế và thi công tượng Marie-Curie tại trường liên cấp Marie-Curie

2018: Thiết kế và thi công tượng đài Phan Đình Phùng tại trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/trien-lam-mo-duyen-nghiep-nhan-sinh-tri-an-co-dieu-khac-gia-ha-minh-tuan-post917035.vnp