Triển lãm 'Những ngày không mơ mộng' của Nguyễn Công Hoài: Trầm buồn & Thảng thốt
Theo dự kiến, triển lãm cá nhân 'Những ngày không mơ mộng' của Nguyễn Công Hoài sẽ diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), kéo dài từ ngày 7/5 đến 11/5/2021.
Không phải ngẫu nhiên mà việc nghiên cứu, giải phẫu và tập vẽ hình thể luôn chiếm khá nhiều thời gian của những người muốn trở thành họa sĩ giá vẽ. Và tranh chân dung vẫn giữ một vị trí quan trọng, một vai trò chủ chốt trong lịch sử hội họa, ngay cả trong các xu hướng mới và trường phái đương thời. Một số dân tộc và tôn giáo còn nghiêm cấm việc vẽ chân dung, vì họ cho rằng việc tạo ra hình hài con người là điều thiêng liêng, chỉ có thượng đế mới làm được, và được làm.
Poster triển lãm “Những ngày không mơ mộng”.
Nguyễn Công Hoài gần như tự học, nên việc nghiên cứu và tập vẽ chân dung sẽ càng nhọc nhằn hơn, bởi vẽ chân dung chưa bao giờ là dễ. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, nếu so với các họa sĩ cùng trang lứa - thế hệ 8X, khả năng vẽ chân dung của Nguyễn Công Hoài là không nhọc nhằn cho lắm, ở vài khía cạnh, còn tỏ ra ưu trội hơn, táo bạo hơn nhiều người.
Từ vẽ chân dung những thân phận gần gũi như ông bà, vợ con, hàng xóm - nói chung có thể định danh hoặc gọi tên được - đến loạt chân dung trong “Những ngày không mơ mộng”, Nguyễn Công Hoài dần dần xóa nhòa sự gần gũi đó, không còn muốn định danh và gọi tên nữa.
Các chân dung chỉ còn là ai đó, chỉ còn là các tư thế sống, chỉ còn là các tình huống hiện sinh. Nói như thi sĩ Tản Đà: “Đời là chỗ bắt người ta phải ở”, loạt chân dung mới này của Nguyễn Công Hoài là các trạng huống “phải ở” như vậy.
Có mấy cách thức vẽ tranh chân dung thường gặp, vẽ về người khác - rất phổ biến, vẽ chân dung tự họa và vẽ chân dung tự vấn, đành rằng hai cách sau có giao thoa ít nhiều với nhau. Nhưng điểm khác nhau của hai cách này mới là điều đáng nói, nơi mà tự họa kiểu gì cũng phải có dáng dấp trực tiếp của chính người vẽ, còn tự vấn thì thường không trực tiếp như vậy.
Những tác phẩm chân dung trong “Những ngày không mơ mộng”, ngay cả với các chân dung phụ nữ, vẫn gián tiếp vẽ về cá tính của Nguyễn Công Hoài trong việc “riêng đối diện tôi”, trong cuộc tự vấn, nhưng lại không muốn lộ diện.
Trước đây cũng vậy, Nguyễn Công Hoài ít khi nào vẽ chân dung tự họa, mà nếu có, cũng là xóa nhòa nhân diện, như muốn chạy trốn thực tại. Nhưng rồi, dù chạy trốn, thì chân dung ấy vẫn gián tiếp hiện ra.
Về cá tính, Nguyễn Công Hoài trộn lẫn giữa sự nhiệt thành, gần gũi, tình cảm với sự tự ái, tự tôn ngấm ngầm. Trộn lẫn giữa vẻ đẹp bị bóc trần, cắn xé, quằn quại, cô độc với thánh thiện, yêu thương, lãng mạn, hân hoan. Những điều này nếu đưa vào tranh chân dung tự họa, e dễ bị mang tính minh họa, nhưng khi đưa vào tranh chân dung tự vấn, nó hiện diện ra một cách sần sùi, bày tỏ được những băn khoăn trước cuộc đời, trước bản thể của chính mình.
Loạt tác phẩm trong “Những ngày không mơ mộng” không có nhiều đa dạng về bố cục và tạo hình, bởi dường như trong hành trình tự vấn này, khi Nguyễn Công Hoài chợt nhận ra một điều gì đó là vẽ, rồi liên tục phủ nhận nó, rồi lại vẽ. Các bức tranh như là các tình huống trong hành trình tự vấn còn nhiều phiêu lưu, thử thách, chưa có dấu hiệu dừng lại. Quằn quại, trầm buồn và thảng thốt trong hành trình đi tìm, rồi bộc lộ, rồi chia sẻ, rồi tiếp tục tự vấn.
Nói như thi sĩ Rainer Maria Rilke:
“Điều thiết thân, rốt cuộc, chỉ có thế này:
Cô độc, cô độc trong nội tâm rộng lớn
Để bước vào chính mình và không gặp ai trong nhiều giờ
Đó là điều mà ta phải có khả năng đạt đến được”.
Nguyễn Công Hoài chắc hẳn sẽ còn nhiều thời gian trong cô độc, sẽ còn ở ám ảnh với cuộc tìm kiếm, để độc thoại, để tự vấn. Vì vậy mà, các tác phẩm trong “Những ngày không mơ mộng” như là các cách thế phác lộ dần dần “bản lai diện mục”, treo chung trong một triển lãm, gộp in trong một cuốn sách, có thể thấy hơi bị nặng nề, lạnh lẽo.
Thế nhưng, nếu chúng đứng tách bạch với nhau, trong các không gian và địa điểm riêng, thì chính sự quằn quại, trầm buồn và thảng thốt ở từng bức đôi khi là tiếng nói đồng cảm cho người xem, vì trong đời ai cũng có lúc thảng thốt, trầm buồn và quằn quại giống như vậy.
Nói như thi sĩ Bùi Giáng:
“Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông”.