Triển lãm sách và thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Triển lãm thư pháp và sách 'Hương thơm quê mẹ' của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút người tham quan bởi không gian có hồn, giàu tính thiền.

Triển lãm thư pháp và sách "Hương thơm quê mẹ" của thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện diễn ra tại Quận 1, TP.HCM kéo dài đến hết ngày 5/4 sắp tới.

Gây ấn tượng người tham quan triển lãm được thiết kế bặt thiệp, tịnh mặc và tao nhã. Hơn 100 tác phẩm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh được bày biện lớp lang, mạch lạc, tạo cho người xem cảm giác như một hành trình thẩm thấu thư pháp của vị thiền sư. Góp mặt trong sự kiện khai mạc là sư cô Chân Không - đệ tử chân truyền của thiền sư Thích Nhất Hạnh và thầy Pháp Nguyện - thị giả thân cận nhất của ông.

Từ sự thân cận với thiền sư, thầy Pháp Nguyện thuyết minh về từng tác phẩm thư pháp tưởng như rất giản đơn nhưng lại giàu nội dung. Chẳng hạn, bức thư pháp Một ngón chân nhúc nhích là bức cuối cùng, được Thích Nhất Hạnh viết ngày 15/10/2014 từ việc ngón chân có thể nhúc nhích sau một thời gian bàn chân phải bất động trong bệnh viện. Bức thư pháp nhắc nhở con người trân quý những gì mình đang có, không nên đợi đến khi đau bệnh mới biết quý cái nhúc nhích của ngón chân.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... nhưng nhiều nhất vẫn là tiếng Việt và tiếng Anh. Những bức thư pháp tiếng Anh như những thành ngữ, ngắn nhưng có tính triết lý cao. Chẳng hạn, bức Are you sure? được chú giải rằng mỗi người cần cân nhắc về quan điểm cá nhân của mình trước khi nói ra. Theo đó, 90% nhận xét, đánh giá của chúng ta về sự vật, sự việc, con người có thể không đúng.

Các bức Breathe, you are alive; The tears I shed yesterday have become rain; Be beautiful, be yourself; I have arrived, I am home... từng được triển lãm tại Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông, nhận sự yêu thích nồng nhiệt. Thư pháp của ông được nhiều người tâm đắc, thỉnh đặt trang trọng trong gia đình và cả nơi làm việc.

Giữa không gian triển lãm là 6 pháp cụ như thiền quýt, cây bắp và hạt bắp, hộp diêm và "ngọn lửa nhỏ", búa và đinh,... của thiền sư Thích Nhất Hạnh khi giảng về thiền. Chẳng hạn, búa và đinh tượng trưng cho tay trái và tay phải của con người. Tay này đau chắc chắn tay còn lại cũng chịu cùng nỗi đau không phân biệt. Từ đó, sư ông ngụ ý về sự yêu thương vô điều kiện giữa người và người.

Thầy Pháp Nguyện nói rằng theo thời gian, đường nét thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh có sự chuyển hóa rõ rệt, thong dong và tự tại hơn. Sư ông quan niệm giữa cuộc đời vốn quá phức tạp, ông viết thư pháp sao cho người xem có thể nhìn vào hiểu ngay, không phải cố đoán mò chữ gì.

Khu vực triển lãm còn có phòng thiền và không gian thiền trà. Khi uống trà, con người "có mặt, ngồi yên và tiếp xúc với giây phút hiện tại". Chính giây phút ấy là sự bình yên.

Tại đây còn trưng bày hơn 145 đầu sách tiếng Việt của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hầu hết các đầu sách bán chạy nhất của ông như An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời... đều được trưng bày.

Sư ông từng nói về thư pháp của mình: “Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và sự tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về sự thực tập chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết".

Bài và ảnh: Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/khong-gian-day-tinh-thien-cua-trien-lam-thu-phap-thien-su-thich-nhat-hanh-722992.html