Triển lãm tranh Lê Đại Chúc mở màn cho không gian nghệ thuật Peony & Iris
Triển lãm tranh Lê Đại Chúc khai mạc lúc 10g sáng ngày 2.10 tại Gallery Peony & Iris. Họa sĩ Lê Đại Chúc và bà Phùng Thị Thu Thủy, chủ nhân của Gallery Peony & Iris đã vô cùng hạnh phúc khi tiếp đón các họa sĩ, giới yêu nghệ thuật, những nhà báo, nhà phê bình và đông đảo người sưu tập tranh đến tham dự.
Sau những lần ra mắt tác phẩm trước đó tại Sài Gòn, ngày 2.10, họa sĩ Lê Đại Chúc đã quyết định một lần nữa trở lại thành phố sôi động này với một triển lãm cá nhân gồm 45 tác phẩm, phong phú về chủ đề, chất liệu và kích cỡ.
Điều đặc biệt là đồng hành cùng với họa sĩ trong triển lãm này là Art Gallery Peony & Iris, tọa lạc tại 25/74 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), một vị trí tuyệt đẹp ngay cạnh Thảo cầm viên, đối diện Bảo tàng Lịch sử, và cũng là một không gian hội họa rất mới đối với giới yêu mỹ thuật Sài Gòn.
Lê Đại Chúc triển lãm tranh sơn dầu cá nhân lần đầu tiên vào năm 1992 và từ đó đến nay đã có tổng cộng 10 lần triển lãm tác phẩm cá nhân trong và ngoài nước.
Trong hàng ngàn bức tranh của Lê Đại Chúc, mảng tranh chân dung đã gây được sự chú ý đặc biệt của giới chuyên môn. Người xem luôn nhận ra trong các bức tranh chân dung sức mạnh nội tâm, cái thần và cái hồn của nhân vật được Lê Đại Chúc thể hiện bằng một thủ pháp táo bạo và cách dùng màu mới, lạ…
Đến với các triển lãm tranh của Lê Đại Chúc, ít ai có thể ngờ tác giả hội họa này thời tráng niên từng là chuyên viên cao cấp ngành tàu biển. Ông thuộc số hiếm hoi những người đến với hội họa bằng con đường tự học nhưng được giới chuyên môn công nhận là họa sĩ thực thụ. Gallery La Vong ở Hong Kong, một địa chỉ uy tín của hội họa Việt Nam ở nước ngoài, từng xếp Lê Đại Chúc vào danh sách những họa sĩ đương đại Việt Nam tiêu biểu nhất.
Năng lực mỹ thuật đặc biệt ấy của Lê Đại Chúc được thôi thúc từ những chuyến viễn du, thưởng lãm các bảo tàng mỹ thuật và phòng tranh ở nước ngoài, nhưng sâu xa hơn có lẽ đã được bắt nguồn từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật nổi tiếng ở Việt Nam. Cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh; mẹ ông bà Đinh Ngọc Anh từng là diễn viên đoàn kịch Gió Biển do cha ông dẫn dắt; chị ruột ông Lê Mai và em ruột Lê Đại Chức đều là NSƯT ngành sân khấu; các cháu ruột của ông đều là những nghệ sĩ thành danh: NS. Lê Vân, NSND. Lê Khanh, NS. Lê Vy…
Bà Phùng Thị Thu Thủy, chủ nhân của không gian nghệ thuật này, cho biết: “Cha của họa sĩ là thi sĩ Lê Đại Thanh, bạn thân của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… và kế tiếp là Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Vì vậy, mặc dù Lê Đại Chúc không học trường mỹ thuật nào nhưng nhờ quan hệ của cha, ngay từ thời trẻ, ông đã được học trực tiếp từ các danh họa. Tất cả các kỹ thuật, quá trình sáng tác một tác phẩm hội họa, các thầy đã truyền cả cho cậu học trò sáng dạ”.
Hội họa của Lê Đại Chúc những năm gần đây và đặc biệt trong 45 bức triển lãm lần này thể hiện rõ sự “ngộ” của ông trong cuộc đời. Ngộ về lẽ sống, về luật nhân quả, về triết lý sâu sa của Phật giáo, Thiên Chúa giáo… để rồi ông không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ lý thuyết, trường phái, phong cách, trào lưu nào nữa mà bình thản đi theo quan niệm riêng của mình về cuộc đời.
Ông bình thản đón nhận mọi khen chê, danh lợi. Dù đã từng có triển lãm tại Anh, được mời sang Mỹ vẽ chân dung những người nổi tiếng nhất nước Mỹ, dù được Gallery La Vong tại Hong Kong bình chọn là 1 trong 15 họa sĩ hàng đầu Việt Nam thì ông luôn coi mình là người may mắn, mỗi khi vẽ một bức tranh vừa ý, ông lại nói: “Đây là trời cho. Tôi chẳng có tài năng gì cả. Cảm ơn Thượng đế”.
Triển lãm tranh Lê Đại Chúc khai mạc lúc 10g sáng ngày 2.10 tại Gallery Peony & Iris. Họa sĩ Lê Đại Chúc và bà Phùng Thị Thu Thủy, chủ nhân của Gallery Peony & Iris đã vô cùng hạnh phúc khi tiếp đón đông đảo các họa sĩ, giới yêu nghệ thuật, những nhà báo, nhà phê bình và nhiều người sưu tập tranh đến tham dự.
Bà Thu Thủy cho biết rằng, dù làm việc trong ngành tiêu dùng, thời trang nhưng hội họa là niềm đam mê từ rất lâu của bà và khi mối duyên đủ lớn, bà đã quyết định dấn thân sang một sân chơi mới là không gian Art gallery Peony & Iris.
“Triết lý nhân sinh trong tranh họa sĩ Lê Đại Chúc khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi nhận ra mình đang có cơ hội, lại thuận lợi mọi thứ từ đam mê mỹ thuật, có tài chính thì tại sao không thử trong lĩnh vực này. Peony & Iris ra đời với triển lãm đầu tiên này là một mối duyên lành”, bà Thu Thủy chia sẻ.
Bà Phùng Thị Thu Thủy đang điều hành buổi đấu giá tranh Phật
Ngay trong buổi khai mạc triển lãm và cũng là ngày mở màn cho không gian nghệ thuật, bức tranh Phật của họa sĩ Lê Đại Chúc, vẽ năm 2020, acrylic trên toan được bán đấu giá với mức giá cuối cùng là 9.500 USD, do anh Đặng Quốc Tuấn, công ty Goldsun đấu giá thành công với mức khởi điểm 5.000 USD.
Anh Đặng Quốc Tuấn, thứ 4 từ trái sang là chủ nhân của bức tranh Phật với mức giá cuối là 9.500USD
Số tiền này sẽ được họa sĩ và chủ phòng tranh gửi tặng cho chương trình Điều ước thứ 7 của VTV.
Bài và ảnh: Trâm Anh