Triển lãm 'Văn hóa trầu cau Việt Nam'

Một triển lãm độc đáo về tập tục lâu đời đã trở thành nét văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam- Triển lãm Văn hóa trầu cau, đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà sưu tập Thành Hải Dương phối hợp tổ chức.

Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương, trong một khu vực địa lý rộng lớn từ Nam Á về phía đông sang Thái Bình Dương, từ Đông Nam Á lên phía Bắc tới Đài Loan, Nam Trung Quốc.

Bộ dụng cụ ăn trầu bằng vàng đời Nguyễn. Ảnh: VGP/Mai Hồng

Ở nước ta, tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cổ tích “Chuyện Trầu cau”. Với người Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau vừa là biểu hiện phong cách Việt Nam vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Miếng trầu là đầu câu chuyện, là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Trầu cau không chỉ là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống như: tế tự, tang ma, cưới hỏi mà còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, vợ chồng…

Theo TS Nguyễn Đình Chiến- Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hơn 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu về văn hóa trầu cau của người Việt đã được lựa chọn trưng bày lần này như bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dao bổ cau, têm trầu, hộp trầu, cối giã trầu, xà tích... bằng nhiều chất liệu theo các chủ đề: Tục ăn trầu và giá trị văn hóa trầu cau ở Việt Nam; tục ăn trầu ở một số dân tộc ít người Việt Nam; bảo tồn giá trị văn hóa trầu cau Việt Nam.

Trưng bày chuyên đề "Văn hóa trầu cau Việt Nam " mở cửa đón khách từ nay đến tháng 1/2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Bình vôi bằng ngọc thời nhà Mạc (TK 16)

Hộp đựng thuốc (TK 11-13)

Bộ dụng cụ ăn trầu bằng ngọc đời Nguyễn

Theo Mai Hồng/Chinhphu.vn

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/201210/trien-lam-van-hoa-trau-cau-viet-nam-2195430/