Triển lãm 'Vẽ con rồng': Sáng tạo hình tượng rồng dưới góc nhìn của những họa sĩ trẻ

Triển lãm 'Vẽ Con Rồng' mang tới cho người xem những bức họa Rồng đầy sáng tạo của các họa sĩ trẻ, gửi gắm mong ước một năm mới thịnh vượng, hạnh...

Giữa không gian đậm tính lịch sử của di tích Hoàng Thành Thăng Long, triển lãm “Vẽ con rồng” đưa người xem chiêm ngưỡng thế giới linh thiêng của linh vật Rồng trong văn hóa Việt Nam nói chung và chính di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long nói riêng. Qua nét vẽ sáng tạo của các họa sĩ trẻ, các bức họa Rồng hiện lên gần gũi, mới lạ và mang đậm không khí hào hùng.

Sự kiện trưng bày 30 tác phẩm Rồng của hơn 25 tác giả trên toàn quốc. Đây đều là những bức tranh thể hiện tinh thần “Thăng Long” được truyền cảm hứng từ chính khu di tích, mang đậm tinh thần tự hào dân tộc. Từ đó gửi gắm mong ước về một năm mới thịnh vượng, đong đầy hạnh phúc.

Tác phẩm “Bé Rồng Sáng Quang Long” của tác giả Biw, với ý nghĩa nhấn mạnh vẻ đẹp của rồng Việt Nam, tôn vinh một nét đẹp văn hóa mang tính dân tộc và lịch sử, gắn với ước vọng về một năm mới 2024 đầy phú quý và thịnh vượng

Bà Nguyễn Hồng Chi (Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết, hình tượng Rồng là biểu trưng cho quyền lực, quyền uy của nhà vua, được xuất hiện ở rất nhiều nơi trong khu di tích, từ các hiện vật cho đến các nội dung trưng bày: “Trải qua 3 thế kỷ với nhiều triều đại khác nhau, hình tượng Rồng đã có những sự thay đổi rất thú vị, từ đó ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt. Chúng tôi mong rằng, thông qua triển lãm được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long lần này sẽ giúp cho du khách đến với di tích hiểu thêm về hình tượng con rồng, đặc biệt trong năm mới Giáp Thìn sắp tới”.

Ông Nguyễn Việt Nam - đại diện đơn vị đồng tổ chức sự kiện - cho biết việc lựa chọn Hoàng thành Thăng Long là nơi tổ chức triển lãm vì phù hợp với những câu chuyện tại nơi đây, với rất nhiều hoạt động về nghi lễ cung đình. Đây cũng sẽ là cơ hội để nhiều người biết đến các tác phẩm cũng như các hoạt động truyền thống vào dịp Tết.

Tác phẩm “Rồng bay vào mộng” của tác giả Duy Hồ lấy cảm hứng từ truyền thuyết về giấc mơ rồng trong hành trình tìm “miền đất hứa” của vua Lý Thái Tổ. Từ giấc mơ đó, vua lấy hình tượng rồng vàng bay lên đặt tên mới cho thành Đại La là thành Thăng Long.

“Các tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long sẽ là những câu chuyện gắn liền với văn hóa, truyền thống và mang tính nghiên cứu cao hơn. Còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi lựa chọn những tác phẩm mang tính chất phá cách, thú vị và mang nhiều sắc thái khác nhau của linh vật Rồng” - ông Nguyễn Việt Nam nhấn mạnh.

Họa sĩ Đặng Thái Tuấn với tác phẩm “Hãng rồng bay Việt Nam” chia sẻ thêm về quá trình sáng tạo của mình: “Mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy trong bức tranh của mình hình ảnh đoàn tàu hỏa của đường sắt Việt Nam. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng của mình trong bức tranh này. Thông qua hình ảnh đoàn tàu, mình muốn thể hiện ý nghĩa của sự kết nối giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam. Mình tưởng tượng nó giống như một con rồng đang bay uốn lượn trên khắp đất nước. Mình thực hiện tác phẩm này trong khoảng 3 ngày, tính từ lúc lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành. Đây giống như một thử thách đối với mình vì rồng có thể coi là con vật khó vẽ nhất trong 12 con giáp”.

Họa sĩ Đặng Thái Tuấn bên cạnh tác phẩm Hãng rồng bay Việt Nam” của mình.

Họa sĩ Lê Phương Thảo lại mang đến triển lãm tác phẩm “Truyền nhân”, mang ý nghĩa là truyền đạt lại những điều tinh túy, cốt lõi của dân tộc cho các bạn trẻ. Phương Thảo bày tỏ: “Trên tranh của mình có hình tượng 2 con rồng thời Nguyễn và thời Lý đang hướng dẫn nhau làm tò he. Đây là hai hình tượng rồng khá tiêu biểu và dễ nhận dạng, cũng được coi là biểu tượng cho 2 triều đại phong kiến rực rỡ trong lịch sử dân tộc”.

Họa sĩ Lê Phương Thảo với tác phẩm “Truyền nhân”.

“Các bạn trẻ hiện nay được tiếp cận với rất nhiều trò chơi hiện đại và gần như đã bỏ quên những giá trị dân gian truyền thống. Với tư cách là một họa sĩ trẻ, mình muốn truyền tải văn hóa cũng như tinh thần dân tộc thông qua bức tranh, để các bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn đối với những giá trị truyền thống của Việt Nam” - Phương Thảo chia sẻ thêm.

Một số tác phẩm được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long:

Tác phẩm “Múa rồng Việt” được lấy cảm hứng từ điệu múa rồng đã được phổ biến từ lâu trên khắp đồng bằng sông Hồng trong các lễ hội vào mùa xuân.

Tác phẩm “Thìn” được tác giả Trần Phương Thảo cách điệu từ hình tượng rồng thời Nguyễn được trổ, đúc trên những cung đình, mái ngói ở đình, miếu Việt Nam.

Ấn tượng với hoa văn rồng ở các ngôi đền, chùa cổ, tác giả Duy Tô đã hoàn thành tác phẩm “Chạm khắc rồng”. Trong tranh, rồng thời Lý bay lượn mềm mại như thoát ra từ bản khắc gỗ, nổi bật khi đặt cạnh hình ảnh làng nghề điêu khắc quen thuộc.

Lấy cảm hứng từ tạo hình rồng thời Lý và hạt giống chuẩn bị nảy mầm, họa sĩ Lam Hạ đã khắc họa nên tác phẩm “Mầm 2024” với hy vọng về một năm mới tràn đầy nhựa sống.

Triển lãm “Vẽ con rồng” sẽ kéo dài đến ngày 20/02/2024 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và ngày 25/02/2024 tại Hoàng thành Thăng Long.

Theo VTV

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/trien-lam-ve-con-rong-sang-tao-hinh-tuong-rong-duoi-goc-nhin-cua-nhung-hoa-si-tre-post378800.html