Triển lãm về hành trình 30 năm mèo máy 'Đôrêmon' tới Việt Nam

Sự kiện đặc biệt nhằm nhìn lại hơn ba thập kỷ kể từ khi bộ truyện tranh Nhật Bản 'Đôrêmon' của tác giả Fujiko F. Fujio được giới thiệu tại Việt Nam năm 1992 cho đến nay.

Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết sẽ cùng Nhà xuất bản Kim Đồng và Lân Tinh Foundation tổ chức triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam", được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu độc lập ChuKim.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 13 - 22.9, tại VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội, mở cửa miễn phí.

Triển lãm là cơ hội chiêm ngưỡng và suy ngẫm về hành trình văn hóa kéo dài hơn 30 năm của Đôrêmon ở Việt Nam

Triển lãm là cơ hội chiêm ngưỡng và suy ngẫm về hành trình văn hóa kéo dài hơn 30 năm của Đôrêmon ở Việt Nam

Dưới sự dẫn dắt của cố Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Nguyễn Thắng Vu, bộ truyện Nhật Bản “Đôrêmon” của tác giả Fujiko F. Fujio nhanh chóng trở thành hiện tượng văn hóa với lượng in khổng lồ và sự phổ biến rộng rãi trên khắp cả nước. “Đôrêmon” đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều thế hệ trẻ em và phụ huynh Việt Nam từ những năm 1990 đến nay.

Triển lãm tập trung khám phá quá trình phát triển của “Đôrêmon” qua 3 giai đoạn chính: từ phiên bản “Đôrêmon” không bản quyền năm 1992, phiên bản có bản quyền từ năm 1998, và phiên bản “Doraemon” từ năm 2010. Mỗi phiên bản phản ánh sự chuyển biến của nhận thức xã hội, cũng như sự hội nhập và phát triển của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam.

Thông qua sự thay đổi trong cách biên tập và phát hành, triển lãm giới thiệu cách “Đôrêmon” đã phản ánh và đồng hành với những biến đổi văn hóa xã hội của đất nước.

Giám tuyển triển lãm, nhà nghiên cứu độc lập ChuKim đã tạo ra một không gian để các thế hệ người yêu mến “Doraemon” có thể cùng nhìn lại quá khứ, từ những ngày tháng tuổi thơ ngây thơ đến hiện tại trưởng thành, khi chú mèo máy vẫn là biểu tượng quen thuộc trong ký ức của mỗi người.

Triển lãm cũng là cơ hội để khán giả suy ngẫm về hành trình văn hóa kéo dài hơn 30 năm của Đôrêmon ở Việt Nam, từ đó hiểu sâu hơn về sự gắn kết văn hóa xuyên thế hệ mà bộ truyện đã mang lại.

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/trien-lam-ve-hanh-trinh-30-nam-meo-may-doremon-toi-viet-nam-post387593.html