Triển vọng gia nhập NATO của Thụy Điển trong nhiệm kỳ 3 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan

Đầu tháng 6 này, ông Recep Tayyip Erdogan chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba. Sự kiện này đã trở nên đáng chú ý hơn khi làm dấy lên câu hỏi: Việc ông Ergogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động thế nào tới tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển? Bởi, trong thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang là nhân tố lớn nhất quyết định việc phê chuẩn tư cách thành viên của quốc gia Bắc Âu này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Time/VOV.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Time/VOV.

Con đường gia nhập liên minh quân sự lớn nhất hành tinh không dễ dàng

Sau Chiến tranh Lạnh, về cơ bản, Thụy Điển vẫn duy trì chính sách trung lập, không tham gia các liên minh, liên kết quân sự trước các xung đột tại châu Âu, đặc biệt là giữa Nga và các nước Tây Âu. Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 2000, hàng loạt các hoạt động quân sự của Nga tại Đông Âu như chiến dịch quân sự tại Georgia năm 2008 và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014… đã bắt đầu khiến nội bộ quốc gia Bắc Âu nảy sinh nhiều mối lo ngại về an ninh. Đỉnh điểm, Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu từ tháng 2-2022 là giọt nước tràn ly, đã khiến Thụy Điển thay đổi chính sách. Ba tháng sau khi chiến sự nổ ra, cùng với Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO.

Trước làn sóng phản đối gay gắt các hành vi của Nga và nỗ lực tập hợp lực lượng của các nước Tây Âu, những tưởng tiến trình gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu có thể diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Song, con đường này không hoàn toàn diễn ra như mong đợi.

Thực tế hiện nay, quy trình trở thành thành viên của NATO chưa được chính thức hóa và các bước đối với mỗi ứng viên có thể khác nhau. Trong đó, thủ tục tốn nhiều thời gian nhất và phức tạp nhất là việc thuyết phục chính phủ của tất cả các nước thành viên NATO phải chấp thuận đơn xin gia nhập. Nói cách khác, tất cả các nước thành viên NATO đều có quyền phủ quyết (veto) đơn xin gia nhập của Thụy Điển, và điều này sẽ ngáng trở khả năng trở thành thành viên NATO của bất kỳ nước nào. Vì vậy, mặc dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên chủ chốt trong NATO là Mỹ, Anh và Đức, các quốc gia Bắc Âu vẫn rơi vào thế khó khi phải xử lý quan hệ với các thành viên khác trong liên minh quân sự, đặc biệt là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay, Ankara mới chỉ phê chuẩn đơn xin gia nhập của Phần Lan. Và câu chuyện trở thành thành viên NATO của Thụy Điển vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO?

Đầu tiên, chính sách chống khủng bố là nhân tố dễ thấy nhất thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn việc gia nhập NATO của Thụy Điển. Cụ thể, Ankara phản đối gay gắt cách Stockholm xử lý các vấn đề xoay quanh các nhóm được Mỹ và các quốc gia trong Liên minh châu Âu coi là khủng bố như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm và cá nhân, chỉ Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, trong đó có nhà truyền giáo Fetullah Gülen. Trong khi luật chống khủng bố của Thụy Điển vô cùng sơ sài, lỏng lẻo; luật tự do ngôn luận lại rất cởi mở và rộng rãi. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Stockholm thiếu một “lập trường cởi mở và rõ ràng nhằm chống lại các tổ chức khủng bố”. Nguy hiểm hơn, Thụy Điển đã để cho các nhóm người Kurd tổ chức các cuộc biểu tình, công khai treo cờ và ủng hộ cho PKK, tổ chức khủng bố có nhiều xung đột trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông.

Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra cân nhắc quan hệ với cả Mỹ và Nga. Tháng 12-2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng các lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quốc gia này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Kể từ đó, Ankara đã bị loại khỏi quy trình sản xuất máy bay chiến đấu chung F-35. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn phi đội máy bay chiến đấu hiện nay của Ankara vẫn là F-16 Fighting Falcon của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng Mỹ có thể cân nhắc lại chính sách đối với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một nhánh của tổ chức khủng bố PKK. Vì vậy, việc trì hoãn tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển nói riêng và quá trình mở rộng của NATO nói chung, được xem là một trong những đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn đàm phán với Mỹ.

Mặc dù quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga cũng rất phức tạp và có rất nhiều căng thẳng, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có lý do khi cân nhắc việc ủng hộ sự gia nhập của hai nước Bắc Âu nằm sát lãnh thổ phía Tây Bắc của Nga. Bởi, Moscow luôn không hài lòng với việc NATO “mở rộng không ngừng nghỉ” đến sát biên giới của mình, đe dọa đến “sự sống còn” của nước Nga. Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và ổn định với điện Kremlin cũng đem lại nhiều lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ như, Ankara cần sự ủng hộ của Nga trong việc tổ chức các cuộc tấn công quân sự vào khu vực do người Kurd lãnh đạo ở miền bắc Syria khi các khu vực này đều được tuần tra bởi quân đội Syria hoặc các đồng minh của Nga. Nga cũng cung cấp năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ và hai bên cũng hợp tác xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở Akkuy.

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi các chính sách thực dụng trong quan hệ với các nước lớn hơn là Mỹ và Nga. Thêm vào đó, nhân tố nội bộ cũng ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Thời điểm trước cuộc bầu cử, Tổng thống Erdogan đã phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử khó khăn. Vấn đề chống khủng bố, đặc biệt là với nhóm PKK có ảnh hưởng sâu sắc tới một bộ phận lớn dân số Thổ Nhĩ Kỳ mà ông và Đảng Hành động Quốc gia (MHP) cần phải lôi kéo. Do đó, lập trường cứng rắn chống lại các nước châu Âu, ủng hộ các nhóm khủng bố này, đã gây được tiếng vang với các cử tri trong nước.

Khả năng Thụy Điển gia nhập NATO trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Erdogan

Sau khi ông Erdogan tái đắc cử vào ngày 3-6, có một số dự báo lạc quan về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển. Bởi, đầu tiên, chiến dịch tái đắc cử thành công đã giúp giảm áp lực từ nhân tố nội bộ, ông Erdogan có thể loại bỏ bớt áp lực phải lôi kéo các cử tri bằng một lập trường cứng rắn chống lại chính sách chống khủng bố lỏng lẻo của Thụy Điển. Thêm vào đó, từ ngày 1-6, Thụy Điển đã chính thức thông qua luật chống khủng bố mới với phạm vi rộng hơn và những điều khoản chặt chẽ hơn. Đây là động thái giúp Thụy Điển thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận yêu cầu gia nhập NATO. Trên cơ sở đó, trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp cận cởi mở hơn trong vấn đề gia nhập NATO của Thụy Điển. Tiếp đó, sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan vào tháng 4-2023, cũng là tín hiệu lạc quan cho thấy quốc gia Trung Đông này có thể sẽ cân nhắc tiếp tục phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trong một tương lai gần.

Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Thụy Điển trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Erdogan có thể không dễ dàng và lạc quan như vậy. Thực chất, nhân tố chính, quyết định các hành động tiếp theo của chính quyền Erdogan là quan hệ với Mỹ và Nga. Chính quyền Erdogan vẫn có thể coi tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển là một đòn bẩy chiến lược nhằm đạt được các thỏa thuận có lợi với cả Nga và Mỹ. Do đó, việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhưng thời điểm quyết định phê chuẩn vẫn sẽ cần được Ankara cân nhắc kĩ càng. Chắc chắn rằng ông Erdogan vẫn đang tìm kiếm những thỏa thuận có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ giữa cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Có thể nói, dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang là một “người chơi” đáng kể trong các vấn đề của khu vực và trên thế giới.

Hồng Hạnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phan-tich-binh-luan/trien-vong-gia-nhap-nato-cua-thuy-dien-trong-nhiem-ky-3-cua-tong-thong-tho-nhi-ky-recep-erdogan/188359.htm