Triển vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung?
Theo Bloomberg, một số quan chức Nhà Trắng đang tìm cách mở lại đối thoại với Trung Quốc nhằm tránh chiến tranh thương mại trước khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Sau những tuyên bố cứng rắn qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới vấn đề thương mại song phương, theo chuyên gia Bonnie Glaser theo dõi về vấn đề Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cần chờ tới ngày 6/7 để xem Washington và Bắc Kinh có thực sự áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên hay không.
Nếu ngày 6/7 tới, hai bên thực sự bắt đầu áp thuế nhập khẩu 25% như tuyên bố, nhà nghiên cứu Mã Tiêu Tiêu thuộc trường Quan hệ quốc tế và sự vụ công, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ bắt đầu. Từ nay tới ngày 6/7, theo Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại Mỹ-Trung toàn quốc Erin Ennis, Trung Quốc sẽ quan sát và hai bên vẫn còn thời gian để tiến hành các cuộc đàm phán cuối cùng.
Trước đó, nhiều tờ báo bằng tiếng Hoa đưa tin Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ thăm Mỹ vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2018 để đàm phán về vấn đề thương mại Mỹ-Trung.
Nguồn thạo tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết trong khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc phụ trách đàm phán với phía Mỹ về các vấn đề thương mại cụ thể thì ông Vương sẽ nỗ lực đảm bảo đối thoại ở tầng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trên tất cả các vấn đề một cách thuận lợi.
Ngoài việc làm lắng dịu căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, ông Vương tới Mỹ còn có một mục đích khác là xóa đi lo ngại của phía Mỹ đối với việc nhà nước Trung Quốc hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây là nguyên nhân then chốt gây ra mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tờ Đa chiều cho biết thêm năm 2017 do quá tuổi, ông Vương Kỳ Sơn không còn ở trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng tháng 3 năm nay đã trở lại với cương vị Phó Chủ tịch nước. Ông Vương là tinh anh chính trị trong ê kíp của Chủ tịch Tập Cận Bình và là người duy nhất có kinh nghiệm phong phú trong đàm phán quốc tế và giao lưu qua lại với Mỹ. Ngoài ra, ông Vương am hiểu sự vận hành trong lĩnh vực tài chính. Việc để quan chức này đi Mỹ làm lắng dịu quan hệ song phương dường như là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc, không có ứng cử viên thứ 2 thích hợp hơn.
Trên thực tế, năm 1994, ông Vương Kỳ Sơn chuyển từ lĩnh vực nghiên cứu kinh tế nông thôn sang lĩnh vực tài chính tiền tệ, làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và có thời gian dài tiếp xúc với người Mỹ, bao gồm việc thúc đẩy thành lập Công ty TNHH cổ phần tài chính quốc tế Trung Quốc, một doanh nghiệp liên doanh giữa Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và tập đoàn Morgan Stanley của Mỹ.
Năm 2008, ông Vương Kỳ Sơn làm Phó Thủ tướng trong Nội các của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo được giao trách nhiệm chủ quản lĩnh vực tài chính thương mại, có thời gian dài đàm phán với các đối tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại đối ngoại, bao gồm cả Mỹ. Có thông tin nói rằng Vương Kỳ Sơn xây dựng được mối quan hệ thân thiết trong giới tinh anh của Phố Wall.
Tuy nhiên, theo báo Kinh tế, ngay cả trường hợp ông Vương Kỳ Sơn đích thân đi Mỹ đàm phán, e rằng cũng khó có thể ngày một ngày hai hóa giải được mâu thuẫn Mỹ-Trung trong lĩnh vực thương mại vốn đang căng như dây đàn. Nhân tố then chốt nhất là phe cứng rắn ở Mỹ, bao gồm Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navaro đã trở lại giành được sự tín nhiệm ở Nhà Trắng và “bạn bè” của ông Vương Kỳ Sơn chưa chắc có thể giúp giảm căng thẳng Mỹ-Trung.
Việc này giải thích tại sao sau khi ông Lưu Hạc đi Mỹ đàm phán về, vấn đề thương mại song phương Mỹ-Trung tưởng chừng như đã lắng dịu, nhưng sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thay đổi, tuyên bố áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và vài ngày sau lại đe dọa áp thuế trừng phạt 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác.
TTXVN
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trien-vong-ha-nhiet-cang-thang-thuong-mai-my-trung-/88909.html