Triển vọng hàn gắn quan hệ với EU sau khi Ba Lan có Thủ tướng mới
Quốc hội Ba Lan vừa bầu chính trị gia theo đường lối trung dung Donald Tusk làm Thủ tướng, chấm dứt 8 năm cầm quyền của phe bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc. Chính phủ do ông Donald Tusk lãnh đạo cũng đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện Ba Lan.
Ngay sau khi giành chiến thắng, ông Tusk, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã tuyên bố sẽ hàn gắn mối quan hệ của Warsaw với Brussels. Từng là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, và với quyết tâm đưa chính phủ mới của Ba Lan lấy lại vị trí lãnh đạo trong EU, tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì khi thực hiện cuộc cách mạng về cả cục diện chính trị trong nước cũng như quan hệ của nước này với EU?
Quyết định mang tính lịch sử của cử tri Ba Lan
Sau 8 năm cầm quyền của đảng Pháp luật và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc, đa số cử tri Ba Lan đã có một quyết định mang tính lịch sử khi thay đổi sự ủng hộ của mình để trao cho ba đảng dân chủ đối lập. Chiến thắng này cũng thể hiện rất rõ Đảng Pháp luật và Công lý đã mất niềm tin của người dân khi không có những giải pháp phù hợp trong một thời gian dài cầm quyền dẫn tới những hệ lụy như lạm phát gia tăng thường xuyên ở mức hai con số làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tiếp đó là những xung đột và bê bối liên quan đến vấn đề người nhập cư, các cáo buộc vi phạm chuẩn mực về pháp quyền EU…, những bất cập đó đã tạo ra một thay đổi lớn đối với sự ủng hộ của cử tri với chính phủ tiền nhiệm.
Chiến thắng của phe đối lập ở Ba Lan cũng là kết quả bầu cử quan trọng nhất đối với EU kể từ chiến thắng năm 2017 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước nhà dân túy cực hữu Marie Le Pen của Pháp. Cuộc bầu cử năm 2017 khi đó đã cứu Liên minh châu Âu vượt qua một giai đoạn sóng gió bởi diễn ra ngay sau Brexit cùng với những lo ngại Liên minh châu Âu có thể tan rã hơn nữa.
Cuộc bầu cử mới nhất của Ba Lan lúc này, được nhiều người coi đã cứu nền dân chủ Ba Lan, cũng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Liên minh châu Âu, với nhiều hứa hẹn khởi sắc hơn trong mối quan hệ vốn tồn tại nhiều rạn nứt giữa Ba Lan và EU.
Ông Donald Tusk cũng không phải là một gương mặt mới mà đã từng là Thủ tướng Ba Lan và Chủ tịch Hội đồng EU. Do đó, việc ông Donald Tusk trở thành thủ tướng sẽ tạo cơ hội cho Ba Lan cải thiện mối quan hệ vốn đã nguội lạnh nhiều năm qua, giải quyết các tồn tại hiện nay như lời hứa của ông trước cử tri và xa hơn góp phần quan trọng trong việc củng cố Liên minh châu Âu.
Nhiệm vụ gai góc nhất
Nhiệm vụ gai góc nhất mà nội các của ông Donald Tusk sẽ phải đương đầu đó giải quyết các xung đột sâu sắc giữa các đảng phái nói riêng và hàn gắn mối quan hệ vốn đã rạn nứt trong nhiều năm qua với EU, đồng thời cam kết khôi phục nền pháp quyền cũng như tìm giải pháp giải phóng khoản quỹ lên tới gần 110 tỷ Euro (118 tỷ USD), tiền quỹ của EU bị đóng băng do tranh chấp với Brussels về các tiêu chuẩn dân chủ pháp quyền. Đây cũng là nhiệm vụ đầu tiên được tân thủ tướng tuyên bố sau khi nhậm chức.
Động thái này được cho là một bước đi khác biệt rất lớn so với quan điểm chính phủ trước đây, việc giải quyết các bất đồng hiện nay đối với EU liên quan đến pháp quyền đặt ra nhiều thách thức và khó khăn với chính phủ mới, chưa tính tới sự thay đổi một hệ thống pháp luật cũng như các quy định đối với các cơ quan tư pháp hiện nay sẽ không thể trong một sớm một chiều.
Tiếp đó, với vai trò là cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Tusk cũng có ý định đưa Ba Lan đến gần hơn với các đồng minh châu Âu và phục hồi sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine. Đảng Liên minh Công dân (KO) của ông tranh cử với Con đường Thứ ba (Third Way) và Cánh Tả Mới (New Left) với các cam kết riêng biệt nhưng có chung quan điểm về việc khôi phục quan hệ với châu Âu.
Bên cạnh đó, chính phủ mới cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giải quyết những tác động từ cuộc xung đột hiện nay ở quốc gia láng giềng Ukraine. Theo kế hoạch, ông Tusk sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần để thảo luận những vấn đề quan trọng đối với tương lai của Ukraine. Về chính sách đối ngoại, ông sẽ tiếp tục có hỗ trợ cần thiết cho Ukraine, tuy nhiên ông cũng tuyên bố chính phủ mới sẽ thể hiện sự quyết đoán trong các giải pháp để đảm bảo lợi ích của Ba Lan ở biên giới với Ukraine trong bối cảnh các cuộc biểu tình của tài xế xe tải Ba Lan diễn ra ở biên giới hai nước.
Liên quan tới vấn đề nhập cư, trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Tusk có quan điểm mạnh mẽ về vấn đề này. Chính sách của tân thủ tướng có thể được gói gọn là “Biên giới trên hết”, nghĩa là tất cả các biên giới phải được bảo đảm trước khi có thể thiết lập một hệ thống tị nạn và di cư hoạt động phù hợp cho các quốc gia thành viên EU.
Đột phá trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Ba Lan với EU
Nhìn lại mối quan hệ trong suốt 8 năm qua, Ba Lan dưới thời đảng Pháp luật và Công lý (PiS) thường có xung đột mạnh mẽ với EU vì những khác biệt về hệ giá trị ví dụ như Ba Lan dưới thời đảng PiS luôn phản đối EU can thiệp vào tham vọng cải tổ tư pháp nước này, các quy định về chống phá thai vốn bị Brussels lên án là vi phạm quyền tự do cá nhân. Với một mối quan hệ không mấy tốt đẹp đó, ông Tusk chắc chắn là nhân tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Ba Lan và EU.
Dư luận hoàn toàn có thể kỳ vọng vào điều này bởi lẽ ông Tusk từng là Thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến 2014 và giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu giai đoạn 2014 - 2019. Ông trở lại chính trường Ba Lan với tư cách lãnh đạo Liên minh Dân sự năm 2021.Với một bề dày kinh nghiệm hoạt động chính trị và các mối quan hệ chặt chẽ từ trước với EU, tân Thủ tướng Ba Lan hoàn toàn có cơ sở để phá băng quan hệ giữa Warsaw với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này điều quan trọng là cần có những bước đi cụ thể để đảo ngược các cải cách tư pháp của Đảng cầm quyền PiS trước đó, từ đó là tiền đề để giải phóng các quỹ từ khối EU. Việc này sẽ khó khăn bởi nó liên quan tới các cải cách về pháp quyền theo cam kết với EU trong khi Tổng thống Duda, một đồng minh thân cận của đảng Pháp luật và Công lý có thể sẽ ngăn chặn hoặc trì hoãn.
Có thể nói một chính phủ mới có tư tưởng thân EU sẽ tạo cơ hội rất lớn cho việc hàn gắn những rạn nứt không chỉ với Ba Lan nói riêng mà còn trong toàn bộ các thành viên liên minh. Quan trọng hơn, một chính phủ mới của Ba Lan thân EU có thể mở ra cơ hội hội nhập châu Âu sâu sắc hơn, bao gồm cả những cải cách quan trọng mà Liên minh châu Âu cần thực hiện để trở thành một chủ thể thống nhất về địa chính trị cũng như ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng chống EU, tư tưởng cực hữu, chủ nghĩa dân túy và dân tộc cực đoan trong EU và ở châu Âu.