Triển vọng hòa bình 2025 và vai trò tham gia kiến tạo của phụ nữ

Phụ nữ trên toàn thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình và giúp các quốc gia phục hồi trong các cuộc khủng hoảng.

 Ảnh: UN Women

Ảnh: UN Women

Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình

Liên hợp quốc (LHQ) tuyên bố 2025 là "Năm của Hòa bình và Niềm tin Quốc tế". LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết các cuộc xung đột thông qua đối thoại và đàm phán toàn diện, nhằm bảo đảm việc tăng cường nền hòa bình và niềm tin trong quan hệ giữa các nước thành viên LHQ, như là một giá trị góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, hòa bình, an ninh và nhân quyền trên thế giới. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi hành động mạnh mẽ vì hòa bình tại các điểm nóng như Dải Gaza, Lebanon, Sudan và Ukraine. Theo ông, cần giữ gìn các giá trị của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Sự thiếu vắng hòa bình đang làm xói mòn lòng tin trong hệ thống đa phương, trong các xã hội, cũng như sự tin tưởng lẫn nhau.

Còn Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn hòa bình được thiết lập trên toàn cầu, với hy vọng rằng, những cuộc xung đột tàn khốc hiện nay sẽ chấm dứt, thế giới sẽ tràn ngập yêu thương và sự đồng cảm. Ông kêu gọi tất cả mọi người ở mọi quốc gia tìm kiếm lòng can đảm để "làm im tiếng súng và vượt qua sự chia rẽ".

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ, với tư cách là tác nhân tích cực trong hòa bình và an ninh, đồng thời giải quyết tác động của bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột. Theo LHQ, một con đường quan trọng để giải quyết các cuộc khủng hoảng là công nhận và đánh giá cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong thời kỳ xung đột và trên con đường tiến tới hòa bình.

Được thông qua vào năm 2000, Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an LHQ là một nghị quyết mang tính bước ngoặt công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác phòng ngừa xung đột, đàm phán hòa bình, xây dựng hòa bình và tái thiết sau xung đột. Năm 2025, nghị quyết này sẽ có hiệu lực trong 1/4 thế kỷ, tạo ra cơ hội rõ ràng để đánh giá mức độ các quốc gia và tổ chức quốc tế đã tích hợp quan điểm về giới vào chương trình nghị sự về hòa bình và an ninh tốt như thế nào, những gì cần thiết để bảo đảm phụ nữ tham gia đầy đủ, công bằng và có ý nghĩa trong các tiến trình hòa bình.

Khuôn khổ Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) là một công cụ phân tích bắt nguồn từ Nghị quyết 1325. Khung này nhấn mạnh mối quan hệ đã được thiết lập theo kinh nghiệm giữa bình đẳng giới và an ninh ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Khuôn khổ WPS nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định về an ninh, bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực, ngăn ngừa xung đột bằng cách giải quyết bất bình đẳng giới, đảm bảo các quy trình cứu trợ và phục hồi hiệu quả trong môi trường hậu xung đột. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, khi WPS được sử dụng trong quá trình ra quyết định về an ninh quốc gia và quốc tế, sẽ mang lại kết quả cải thiện cho hòa bình và ổn định. Việc đưa phụ nữ vào các tiến trình hòa bình sẽ làm tăng khả năng ổn định và hòa bình lên 20% trong ít nhất 2 năm và 35% trong ít nhất 15 năm.

“Phá vỡ rào cản, xây dựng hòa bình” là chiến dịch vận động mang tính bước ngoặt về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng của LHQ

“Phá vỡ rào cản, xây dựng hòa bình” là chiến dịch vận động mang tính bước ngoặt về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng của LHQ

Sự tham gia của phụ nữ

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Cương lĩnh hành động Bắc Kinh nhấn mạnh nhu cầu tăng cường sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ ở mọi cấp độ giải quyết và phòng ngừa xung đột, bao gồm cả ở cấp độ ra quyết định. Ngày nay, có 112 quốc gia có Kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh - tăng đáng kể so với chỉ 19 quốc gia vào năm 2010. Các Kế hoạch hành động quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào quá trình xây dựng hòa bình và phục hồi sau xung đột, giúp họ tiếp cận các vị trí ra quyết định và mở đường cho các luật mới giải quyết vấn đề bạo lực tình dục trong xung đột.

Trong số những phát hiện quan trọng của tổ chức Care International từ 15 quốc gia đang trải qua xung đột, báo cáo cho thấy: 91% phụ nữ đảm nhận vai trò tích cực, lãnh đạo để hỗ trợ và nâng cao cộng đồng của họ ở những nơi như Ukraine, Yemen, Colombia, Syria và Gaza. Ưu tiên lớn nhất của họ là hỗ trợ sinh kế. Phụ nữ cung cấp bữa ăn và chỗ ở cho những người phải chạy trốn khỏi nhà của họ. Họ trở thành trụ cột nuôi sống gia đình. Họ là những người ủng hộ sự thay đổi và xây dựng mạng lưới thay đổi mạnh mẽ. 79% phụ nữ đang tìm cách giúp cộng đồng an toàn hơn, 71% đang cung cấp dịch vụ y tế và 46% đang đa dạng hóa thu nhập để chăm sóc gia đình.

Phụ nữ hiện chiếm chưa đến 20% số người đàm phán và chỉ là một phần nhỏ trong số những người ký kết thỏa thuận hòa bình. Chính phủ, các tổ chức khu vực và LHQ nên áp dụng hạn ngạch, cơ chế tài chính và chính sách nhạy cảm về giới để đảm bảo phụ nữ được tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, giải quyết xung đột và các sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Bình đẳng giới trong lực lượng gìn giữ hòa bình, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo và quân nhân, từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của LHQ. Tổ chức này, phụ thuộc vào các quốc gia thành viên để cung cấp lực lượng quân đội và cảnh sát, đã đưa ra một số sáng kiến trong những năm qua, bao gồm thúc giục và khuyến khích các quốc gia đóng góp quân đội và cảnh sát triển khai thêm nhiều phụ nữ gìn giữ hòa bình. Năm 1993, phụ nữ chiếm 1% trong lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới. Đến nay, trong số hơn 72.000 lực lượng gìn giữ hòa bình, phụ nữ chiếm gần 10% lực lượng quân đội, 16% lực lượng cảnh sát, 36% nhân viên tư pháp. Mục tiêu đến năm 2028 đối với phụ nữ trong lực lượng quân đội là 15%, 25% đối với quan sát viên và sĩ quan quân đội, 1/5 trong các đơn vị cảnh sát.

Tất cả các phái bộ gìn giữ hòa bình đa chiều của LHQ đều có cố vấn về giới, những người đảm bảo rằng quan điểm về giới được tích hợp trong mọi hoạt động. Mặt khác, lực lượng gìn giữ hòa bình nữ cải thiện hiệu suất gìn giữ hòa bình tổng thể; tiếp cận cộng đồng nhiều hơn; giúp thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ dân thường. Họ giúp cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ cho phụ nữ địa phương, tương tác với họ trong các xã hội nơi phụ nữ bị cấm nói chuyện với nam giới. Họ có thể tiếp cận tốt hơn với người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em sống sót sau bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, còn đóng vai trò là người cố vấn và hình mẫu mạnh mẽ cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hậu xung đột ở cộng đồng sở tại, làm gương để họ vận động cho quyền của chính mình và theo đuổi sự nghiệp phi truyền thống.

Nguồn: theglobalobservatory.org, peacekeeping.un.org

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trien-vong-hoa-binh-2025-va-vai-tro-tham-gia-kien-tao-cua-phu-nu-20241231210920385.htm