Triển vọng kinh tế tích cực hơn

Các thông tin kinh tế tích cực nửa đầu năm tiếp tục được củng cố trong tháng 7 báo hiệu khả năng cao triển vọng kinh tế khả quan hơn cho cả năm 2024.

Các lĩnh vực tiếp tục đà khởi sắc

Số liệu tháng 7 và 7 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, nền kinh tế duy trì xu hướng tích cực với các ngành, lĩnh vực tiếp đà phục hồi. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tốt hơn trong tháng 7, chủ yếu nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 7 tháng năm 2024 tăng 8,7%.

Đà phục hồi và tăng trưởng tích cực nhất có thể thấy ở lĩnh vực sản xuất, với sự phục hồi mạnh của ngành chế biến, chế tạo. Theo đó, dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 0,7% so với tháng trước, nhưng đã tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, chỉ riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đã đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục sôi động và xuất siêu gia tăng. 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 226,98 tỷ USD; tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 7, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, nhập khẩu ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 6 xuất siêu 3,2 tỷ USD (trước đó ước tính xuất siêu chỉ 2,94 tỷ USD); 6 tháng xuất siêu 11,96 tỷ USD. Riêng tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Như vậy tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).

Sự phục hồi mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng

Sự phục hồi mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng

Tăng trưởng 6,5% không còn xa vời

Dưới tiêu đề: "Lấy lại hào quang", báo cáo Vietnam at a glance của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC công bố mới đây cho rằng, việc tăng trưởng GDP quý II tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái (vượt xa kỳ vọng của thị trường chỉ quanh mức 6%) không chỉ phản ánh sự phục hồi đầy thuyết phục, mà còn cho thấy điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng.

"Trước đó, chúng tôi đã lưu ý về sự phục hồi không đồng đều trong lĩnh vực thương mại, chủ yếu được dẫn dắt bởi phục hồi trong mảng điện tử. Mặc dù xu hướng này vẫn tiếp tục, nhưng các ngành hàng khác ngoài điện tử cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, xuất khẩu dệt may và da giày, vốn bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, cũng phục hồi trở lại, tăng trưởng ở mức hai con số trong quý II", bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của tập đoàn HSBC, cho biết.

Song song với tình hình thương mại tươi sáng, tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ. PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Điều đáng khích lệ là tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao so với những tháng gần đây, là "bảo chứng" cho triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, FDI tiếp tục duy trì đà tích cực, dòng vốn FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam và chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh tăng trưởng tích cực của thương mại và lĩnh vực sản xuất, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực. Điều này lý giải vì sao các ngành như vận tải và lưu trú tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng vừa qua. Bảy tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. "Mặc dù Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024, chúng tôi vẫn thấy có dư địa để cải thiện hơn nữa, bao gồm mở rộng danh sách miễn thị thực", chuyên gia Yun Liu nhận định.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính lưu ý quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024. Mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; đồng thời giữ lạm phát ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Tựu trung lại, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng. Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm nay lên 6,5%", báo cáo của HSBC dự báo, đồng thời cho biết, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024 - một vị trí Việt Nam đã "tạm nhường" cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.

Mặc dù vậy, các chuyên gia HSBC lưu ý mức độ ổn định trong phục hồi thương mại và mức độ lan tỏa của sự phục hồi này sang lĩnh vực trong nước là các yếu tố cần theo dõi chặt chẽ. Bởi khác với các lĩnh vực bên ngoài, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại được "phong độ" trước đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa chắc chắn sẽ tác động đến các lĩnh vực trong nước, dù ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong quý IV/2024. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho kinh tế trong nước, như việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đến hết năm, hay giảm một số loại phí đối với một số ngành… nhiều khả năng sẽ phần nào giúp nâng đỡ cho kinh tế trong nước.

Trên cơ sở kết quả quý II, 6 tháng và dự báo cả năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%, với tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%. Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%.

Trước đó vào đầu tháng 7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024, đưa hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó ở Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55%, CPI bình quân tăng 4,31%, trong đó giả định xuất khẩu cả năm chỉ tăng 9,54% so với năm 2023, cán cân thương mại thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Ở Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%, CPI bình quân tăng 4,12%, với giả định xuất khẩu tăng 11,64% và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trien-vong-kinh-te-tich-cuc-hon-154090.html