Triển vọng mô hình nuôi gà thảo dược tại huyện Đà Bắc

Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thảo dược theo hướng sản phẩm OCOP tại xã Cao Sơn và xã Tú Lý (Đà Bắc) cũng như góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các hộ dân ở huyện, mô hình nuôi gà ri Lạc Thủy bằng thảo dược theo hướng sản phẩm OCOP được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đà Bắc triển khai bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Mô hình nuôi gà bằng thảo dược của gia đình ông Vũ Tiến Dũng, xóm Bình Lý, xã Tú Lý (Đà Bắc) cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều người đến thăm quan, học tập.

Mô hình nuôi gà bằng thảo dược của gia đình ông Vũ Tiến Dũng, xóm Bình Lý, xã Tú Lý (Đà Bắc) cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều người đến thăm quan, học tập.

Mô hình được triển khai tại xã Tú Lý và xã Cao Sơn với quy mô gần 2.000 con. Đây là giống gà ri Lạc Thủy có ưu điểm vượt trội về chất lượng, thịt thơm ngon, thích nghi tốt với điều kiện chăn thả tại địa phương. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình cho 5 hộ ở 2 xã, mỗi hộ nhận nuôi 300 - 500 con. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% về con giống, vắc xin, thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại và 41% vật tư, thức ăn (cám đậm đặc, bột ngô, cám gạo). Mô hình áp dụng phương thức nuôi bán chăn thả, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, gà được cho ăn bằng thức ăn có bổ sung thảo dược phối trộn theo tỷ lệ 0,2 - 0,3% thảo dược đối với lượng thức ăn. Từ đó giúp tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Qua 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 1,7 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 96%. Thức ăn của gà chủ yếu là ngô trồng tại địa phương, khi phối trộn với các loại thảo dược có tác dụng phòng một số bệnh phổ biến. Thảo dược bà con nông dân tự chế biến từ các nguyên liệu: Tỏi, nghệ, gừng, bồ kết, cam thảo, lá lốt, lá sim, cây sim, lá ổi... Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các hộ không sử dụng chất cấm, kháng sinh. Ngoài nghiền nhỏ thảo dược để phối trộn vào thức ăn, hộ gia đình còn được hướng dẫn cho ăn trực tiếp, giã nhỏ hòa nước cho uống, sắc đặc lấy nước cho uống, ngâm rượu gừng tỏi pha cho gà uống. Tất cả nhằm nâng cao sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh và giải quyết mùi hôi khó chịu trong quá trình chăn nuôi.

Là hộ tham gia thực hiện mô hình, ông Vũ Tiến Dũng, xóm Bình Lý (xã Tú Lý) chia sẻ: Chúng tôi thấy đây là một hướng đi đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao có thể nhân rộng, phát triển ổn định và bền vững. Thành công của mô hình sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi có đầu tư thâm canh, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thật vào chăn nuôi. Mô hình là điểm để bà con nông dân trong vùng đến thăm quan, học tập và nhân rộng.

Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế cũng như môi trường, là hướng đi mới trong chăn nuôi gà nói riêng, chăn nuôi gia cầm nói chung, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, độ an toàn của sản phẩm. Mô hình đã sử dụng hài hòa các nguồn tài nguyên chăn nuôi sẵn có tại địa phương, chuồng trại cũng giảm hẳn mùi hôi thối, nguồn phân gà sạch được sử dung trong trồng trọt hiệu quả.

Đồng chí Quách Thị Khiếu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết: Khi thực hiện mô hình sẽ giúp tăng cường khả năng liên kết giữa các hộ chăn nuôi, tăng giá trị sản xuất. Đồng thời trong quá trình chăn nuôi, người nông dân tăng cường việc giám sát lẫn nhau, giám sát quá trình chăm sóc sản phẩm của mình, tránh tình trạng đưa các sản phẩm nơi khác vào làm giảm uy tín của sản phẩm. Việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trên số lượng lớn chăn nuôi sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng đều, có hướng đi giúp các nhóm nông hộ thành lập tổ sản xuất, hợp tác xã để tăng cường việc giám sát và tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, từ đó tăng khả năng liên kết kinh doanh với thị trường tiêu thụ.

Với những tín hiệu ban đầu đầy triển vọng, mô hình nuôi gà sản phẩm OCOP theo hướng sử dụng thảo được xem là hướng đi tích cực trong phát triển kinh tế cho các hộ trên địa bàn huyện. Ngoài kỳ vọng nâng cao thu nhập, mô hình mở ra hướng đi mới, tạo sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, hoàn thành tiêu chí thu nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Cường (Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/157126/trien-vong-mo-hinh-nuoi-ga-thao-duoc-tai-huyen-da-bac.htm