Triển vọng mô hình trồng mắc ca
Trên diện tích đất trồng cây cà phê trên 10 năm tuổi, đang giai đoạn già cỗi sinh trưởng kém, năng suất giảm tại xã Chiềng Dong và Chiềng Ve (Mai Sơn), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn triển khai mô hình trồng xen cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (741,695,800,900) tại Tây Bắc và Tây Nguyên. Qua đánh giá, mô hình có triển vọng cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất điều kiện canh tác khó khăn, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình có quy mô 45 ha, với tổng số 55 hộ tham gia. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn đã khảo sát tại các xã có diện tích trồng cà phê và thống nhất chọn xã Chiềng Ve và xã Chiềng Dong để triển khai mô hình. Đây là hai xã đặc biệt khó khăn, nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển cà phê của tỉnh nên thuận lợi cho việc trồng xen cây mắc ca; có tiềm năng để phát triển cây mắc ca và có khả năng nhân rộng mô hình. Mô hình gồm 15 ha cây mắc ca chăm sóc năm thứ 2 tại bản Dè và Lò Um, xã Chiềng Dong (25 hộ tham gia); trồng mới 30 ha tại bản Sươn và Mè Dưới, xã Chiềng Ve (30 hộ tham gia). Các hộ tham gia mô hình được lựa chọn thông qua cuộc họp dân, đảm bảo công khai và đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn tổ chức tập huấn cho các hộ về kỹ thuật trồng thâm canh cây mắc ca; cấp 4.950 cây giống và gần 3.800 kg phân bón NPK Lâm Thao cho các hộ tham gia mô hình. Giống cây mắc ca đã được công nhận gồm các dòng 741, 695, 800, 900. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến cung cấp cây giống có bầu, thời gian ghép từ 6 tháng trở lên, cao trên 45 cm, đường kính gốc trên 0,5 cm, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, cụt ngọn. Đồng thời, hướng dẫn các hộ đào hố đúng kích thước 80 x 80 x 60 cm, khoảng cách 11 x 6 m, mật độ 150 cây/ha trồng xen cây cà phê. Đối với diện tích cây mắc ca năm thứ 2, tiếp tục hướng dẫn cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.
Trong quá trình triển khai thực hiện, hai đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật và khuyến nông viên cơ sở xã thường xuyên chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn trao đổi với các hộ trồng cây để đạt hiệu quả cao nhất. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các chỉ tiêu của dự án, tình hình sinh trưởng phát triển, sâu bệnh hại cây. Các hộ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây mắc ca. Quá trình thực hiện mô hình từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh dễ làm phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Mặc dù trồng trên diện tích đất đồi bị xói mòn, thoái hóa, đất nghèo kiệt dinh dưỡng, khó khăn trong quá trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, nhưng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại 4 bản Dè, Lo Um (Chiềng Dong) và bản Sươn, Mè Dưới (Chiềng Ve) sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích cây mắc ca năm thứ 2, có cây đã bắt đầu cho quả; cây có chiều cao trung bình 2,1 m, đường kính gốc 2,5 -2,7 cm. Tỷ lệ sống cây trồng mới đạt 98,5%, chiều cao trung bình 1,3 m, đường kính gốc 1,6-1,8 cm.
Từ kết quả thực tế tại mô hình trồng mắc ca tại xã Chiềng Dong và Chiềng Ve, cho thấy khả năng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa lý tại địa phương. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, cây mắc ca được đưa vào trồng tại tỉnh ta từ năm 2000, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố với quy mô phát triển chủ yếu dưới dạng mô hình khảo nghiệm nông, lâm nghiệp và chưa hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung. Tỉnh ta cũng đã tổ chức đánh giá, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, với khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh, có thể trồng xen, trồng che bóng cho nhiều loại cây, như: Chè, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày... Thực tế ở một số nơi trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận cây mắc ca trồng trên đất dốc, bạc màu, thiếu nước tưới, năng suất bình quân đạt khoảng 1,2 tấn hạt/ha, tương đương mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng cây mắc ca là hướng đi mới và cần thiết nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, phù hợp với khí hậu của địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất. Thông qua mô hình, nhằm tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân học tập, nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh có đầu tư, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tận dụng diện tích cây cà phê già cỗi, năng suất thấp để trồng thay thế cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trien-vong-mo-hinh-trong-mac-ca-27819