Triển vọng mới trên bán đảo Triều Tiên

Từ cuối tháng 9 đến nay, hàng loạt sự kiện quan trọng xoay quanh vấn đề Bán đảo Triều Tiên liên tục diễn ra, cho thấy tình hình ở đây đang có những thay đổi mới, bắt đầu thấy được ánh sáng cuối đường hầm.

Nhu cầu tuyên bố chấm dứt chiến tranh

Ngày 22-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, đề nghị các nước liên quan cùng đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Việc Seoul chủ động nhắc lại vấn đề này xuất phát từ những cân nhắc chiến lược nhằm thúc đẩy việc nối lại đối thoại và khôi phục tiến trình hòa bình trên bán đảo.

Ông Moon Jae-in cho biết tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là điểm khởi đầu cho việc thiết lập một trật tự hòa giải và hợp tác mới trên bán đảo. Có vẻ như ông đang dốc toàn lực cho việc tái khởi động đối thoại liên Triều và Mỹ - Triều trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York, tháng 9-2012.

Theo quan điểm của Hàn Quốc, việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ đánh dấu bán đảo đã bước vào giai đoạn mới của việc xây dựng cơ chế hòa bình và hợp tác, giúp xóa tan sự thù địch và nghi kỵ giữa các bên liên quan, tăng thêm lòng tin và sự tôn trọng, tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề trong đối thoại. Mặc dù trước đây Mỹ từng phản đối và cản trở tuyên bố chấm dứt chiến tranh, song tình hình hiện nay đã có những thay đổi lớn. Việc khởi động lại đối thoại Mỹ - Triều đã trở thành nhu cầu bức thiết, nếu tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể tháo gỡ cục diện bế tắc trong đối thoại thì Mỹ cũng không có lý do gì để phản đối.

Trong khi đó, tuyên bố kết thúc chiến tranh là chủ trương chính sách nhất quán của CHDCND Triều Tiên. Tháng 4-2018, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký Tuyên bố Panmunjom, hai bên cùng chủ trương tuyên bố chấm dứt chiến tranh nhân kỷ niệm 65 năm ký Hiệp định đình chiến. Đầu tháng 7-2018, khi hội đàm với quan chức Mỹ, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đã đưa ra đề xuất này.

Tuy nhiên, Mỹ không những phản đối với lý do quá sớm mà còn yêu cầu phía CHDCND Triều Tiên cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của nước này. Lý do khiến Mỹ phản đối và cản trở tuyên bố kết thúc chiến tranh một mặt là không tin tưởng Bình Nhưỡng và không muốn nhượng bộ khi tiến trình phi hạt nhân hóa không có gì tiến triển, mặt khác cũng lo ngại vị thế của quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc sẽ bị thách thức. Với sự ngăn cản của Mỹ, kế hoạch tuyên bố chấm dứt chiến tranh bị gác lại.

Theo một số nhà phân tích, đằng sau việc CHDCND Triều Tiên điều chỉnh thái độ đối với tuyên bố chấm dứt chiến tranh là những cân nhắc chiến lược sâu xa. Một là, vấn đề cấp bách nhất đối với nước này hiện nay là nhanh chóng tạo môi trường thuận lợi cũng như khắc phục những khó khăn xoay quanh lợi ích an ninh, danh dự và phát triển của đất nước. Tuyên bố chấm dứt chiến tranh tuy có lợi nhưng chủ yếu mang ý nghĩa chính trị và tượng trưng, hơn nữa, bỏ ra thì nhiều mà lợi ích thu lại chưa chắc đã lớn.

Hai là, CHDCND Triều Tiên đã điềm tĩnh và thực dụng hơn trước, không muốn tham gia những sự kiện mang tính hình thức và thiếu thực tế. Họ muốn khi tuyên bố chấm dứt chiến tranh, hai bên trước tiên phải đảm bảo sự tôn trọng và công bằng, đồng thời phải xóa bỏ định kiến, chính sách thù địch và tiêu chuẩn kép không công bằng.

Tín hiệu mới

Bài phát biểu ngày 24-9 của Phó Chủ nhiệm Thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong được bắt đầu từ vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh, tiếp đó chuyển trọng điểm sang quan hệ liên Triều.

Bà nêu rõ nếu Hàn Quốc thực sự có thể từ bỏ tiêu chuẩn kép và hành động thù địch đối với CHDCND Triều Tiên thì nước này sẵn sàng nối lại kênh trao đổi giữa hai bên và tiến hành thảo luận mang tính xây dựng đối với việc khôi phục quan hệ và triển vọng phát triển. Điều này cho thấy mong muốn nối lại đối thoại liên Triều của Bình Nhưỡng. Chỉ sau đó 1 ngày, bà Kim Yo-jong lại có một bài phát biểu đề cập đến vấn đề tương tự, thậm chí còn tăng cường mức độ.

Binh sĩ CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay nhau tại khu giới tuyến phi quân sự (DMZ).

Việc bà Kim Yo-jong liên tục có hai bài phát biểu khiến triển vọng nối lại đối thoại liên Triều trở nên lạc quan hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc giải quyết dứt điểm vấn đề Bán đảo Triều Tiên không thể tách rời đối thoại Mỹ - Triều. Nhưng, nếu quan hệ liên Triều có thể được khôi phục và phát triển một cách thuận lợi thì việc nối lại đối thoại Mỹ - Triều cũng sẽ sớm được thực hiện.

Đáp lại, Hàn Quốc tỏ thái độ hoan nghênh nhưng thận trọng. Nhà Xanh chưa có phản ứng chính thức đối với bài phát biểu của bà Kim Yo-jong. Có ý kiến cho rằng sự thận trọng của Nhà Xanh cho thấy bài học kinh nghiệm lịch sử đang phát huy tác dụng.

Và, cùng với cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc đang đến gần, tình hình chính trị của nước này đang có xu hướng trở nên phức tạp hơn, sự kiềm chế của thế lực bảo thủ tăng lên, buộc nhà lãnh đạo phải hành động thận trọng và ổn thỏa. Nhiều yếu tố cho thấy biến số vẫn tồn tại. Thế nhưng, sự do dự thiếu quyết đoán có thể mất đi cơ hội tốt và việc gây thêm rắc rối có thể khiến triển vọng nối lại đối thoại liên Triều trở nên mờ mịt hơn.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/trien-vong-moi-tren-ban-dao-trieu-tien-i631082/