Triển vọng nào cho Afghanistan?
Theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và cả Taliban thì nhiều khả năng hòa ước này sẽ được Mỹ và Taliban ký kết chính thức trong những ngày tới. Nhưng dù có được hòa ước này đi chăng nữa thì câu hỏi về triển vọng tương lai cho hòa bình, an ninh và ổn định chính trị xã hội ở Afghanistan cũng vẫn chưa thể được trả lời chắc chắn.
Cách đây hơn 18 năm, Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan và lật đổ chính thể Hồi giáo của Taliban ở đất nước này. Mỹ cùng đồng minh dựng nên chính thể mới ở Afghanistan. Afghanistan trở thành cuộc chiến tranh lâu dài nhất mà Mỹ đã từng tiến hành ở nước ngoài. Khoảng thời gian ấy đủ để biểu lộ mức độ sa lầy của Mỹ về mọi phương diện ở Afghanistan.
Bây giờ, Mỹ có cơ hội thoát ra khỏi tình trạng sa lầy ấy với hòa ước giữa Mỹ và Taliban. Theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và cả Taliban thì nhiều khả năng hòa ước này sẽ được Mỹ và Taliban ký kết chính thức trong những ngày tới. Nhưng dù có được hòa ước này đi chăng nữa thì câu hỏi về triển vọng tương lai cho hòa bình, an ninh và ổn định chính trị xã hội ở Afghanistan cũng vẫn chưa thể được trả lời chắc chắn.
Khi xưa, Mỹ coi Taliban là kẻ thù không đội trời chung. Vì thế, chỉ riêng việc Mỹ chấp nhận tiếp xúc và đàm phán hòa bình trực tiếp tay đôi với Taliban đã đủ để cho thấy Mỹ đã tự phá bỏ một điều cấm kỵ. Từ giữa năm 2018, Mỹ và Taliban tiến hành đàm phán hòa bình trực tiếp với nhau.
Hai bên đã một vài lần tuyên bố là sắp ký kết hòa ước, nhưng rồi hòa ước vẫn chưa thấy được ký kết. Mỹ cần thỏa thuận hòa bình với Taliban để có thể cùng đồng minh rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan mà vẫn bảo vệ được chính thể hiện tại ở Afghanistan. Chẳng gì thì đấy cũng là kết quả của hơn 18 năm chiến tranh với rất nhiều tiền của và không ít sinh mạng của binh lính Mỹ và đồng minh.
Cho nên điều kiện của Mỹ là Taliban cam kết không chống Mỹ và chống nước khác cũng như phải tham gia vào giải pháp chính trị hòa bình cho Afghanistan, cụ thể ở đây là phải chấp nhận đàm phán trực tiếp với phía Chính phủ Afghanistan về hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Afghanistan. Còn nhượng bộ của Mỹ là nước này đồng minh rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan.
Ông Trump cần hòa ước này để thực hiện cam kết vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ năm 2016 là chấm dứt các cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước ngoài và rút quân đội Mỹ ra khỏi những nơi chiến tranh ấy. Cho nên càng gần đến thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống tới ở Mỹ (đầu tháng 11 năm nay), ông Trump càng cần hòa ước với Taliban.
Nếu Mỹ và Taliban ký kết được với nhau hòa ước như thế trong những ngày tới thì vấn đề Afghanistan sẽ có được bước ngoặt lịch sử trên danh nghĩa. Trên thực tế có được như thế không thì lại còn phụ thuộc vào việc hòa ước có được hai bên tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh hay không. Mỹ phải ràng buộc Taliban vào hòa ước này bởi chính thể hiện tại ở Afghanistan nếu không có được sự đảm bảo an ninh của Mỹ và đồng minh thì không phải đối thủ quân sự của Taliban. Mưu tính của Taliban là cứ để cho nước ngoài rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan đã rồi mới bắt đầu “cuộc chơi” mới.
Hòa ước giữa Mỹ và Taliban còn chưa được ký kết thì ở Afghanistan đã xuất hiện tình thế mới sau khi kết quả bầu cử tổng thống được chính thức công bố. Theo đó, ông Ghani được tái đắc cử. Vấn đề lại ở chỗ tất cả các ứng cử viên tổng thống khác và đối thủ chính trị của ông Ghani đều không chấp nhận kết quả bầu cử ấy.
Họ không thiếu lý do để hoài nghi về tính hợp pháp, hợp hiến của kết quả bầu cử nói trên. Chẳng hạn như ông Ghani nhờ đa số rất mong manh mà tránh được vòng bầu cử tổng thống thứ hai, hay số lượng lá phiếu cử tri không hợp lệ đến tận 1,8 triệu trong tổng số hơn 9 triệu cử tri đăng ký tham gia bầu cử. Afghanistan hiện có khoảng 35 triệu dân mà chỉ có hơn 9 triệu người đăng ký tham gia bầu cử. Ủy ban bầu cử quốc gia lại còn để sau gần 5 tháng mới công bố chính thức kết quả bầu cử.
Tình trạng ấy càng thêm có lợi cho Taliban sau khi Mỹ và đồng minh triệt thoái hết quân đội ra khỏi Afghanistan. Hòa ước giữa Mỹ và Taliban rồi đây có được thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh hay không, đặc biệt tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc giữa các bên ở Afghanistan có được khởi động và diễn biến thuận lợi hay không giờ còn phụ thuộc rất quyết định vào việc ông Ghani có được sự hậu thuẫn chính trị nội bộ đủ mức hay không. Giới quan sát nhận định rằng, triển vọng hòa bình cho Afghanistan vì thế vẫn rất bất định...
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-quan-sat/trien-vong-nao-cho-afghanistan-496678.html