Triển vọng phát triển cây dược liệu ở Đakrông
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích, việc phát triển cây dược liệu đã được huyện Đakrông quan tâm thực hiện thời gian qua. Từ đó góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng thời bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý trên địa bàn.
Năm 2019, tại xã Triệu Nguyên, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đầu tư trồng thử nghiệm 2 ha sâm Bố Chính. Đến tháng 5/2020 cây sâm đã đến thời kỳ thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao, năng suất trung bình đạt từ 19 tạ/ha, giá bán 150.000 - 200.000 đồng/ kg, được doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm tại nơi sản xuất. Đây là cây trồng mới trên địa bàn huyện đem lại nguồn thu nhập cao gấp 2,5 - 3 lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác như lạc, ngô, các loại đậu.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, tiêu chí thu nhập đóng vai trò rất quan trọng, đây cũng là một tiêu chí khó đối với xã miền núi như Triệu Nguyên. Để nâng cao thu nhập cho người dân, một trong những giải pháp địa phương đã triển khai đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây sâm Bố Chính là một trong những cây trồng mới, mang lại giá trị kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cùng địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Với những hiệu quả đem lại, Triệu Nguyên đang xác định dược liệu chính là cây trồng chủ lực của địa phương trong thời gian tới”.
Là huyện miền núi, Đakrông được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để phát triển cây dược liệu, nhiều loài dược liệu quý có từ lâu đời, mọc dưới tán cây rừng như bảy lá một hoa, sa nhân, sâm cau, khôi tía, thiên niên kiện, đẳng sâm, quế, chè vằng, cà gai leo, an xoa, quế, bách bệnh... Để phát triển cây dược liệu, trong giai đoạn 2015 - 2020, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau trên địa bàn huyện đã trồng được 300 ha cây dược liệu với các loại cây chủ yếu như cây ba kích tím, sả, húng quế, sâm Bố Chính... tại các xã Hướng Hiệp, Tà Rụt, Triệu Nguyên, Ba Lòng. Hiện nay một số loài đã cho thu hoạch và bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
Cụ thể, dự án trồng cây ba kích tím được triển khai thực hiện 189,4 ha trên địa bàn các xã Tà Rụt, Hướng Hiệp bởi Dự án Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 (BCC) thuộc nguồn vay ADB. Diện tích cây ba kích tím trồng dưới tán rừng tự nhiên đã được giao cho cộng đồng dân cư thôn A Đăng, xã Tà Rụt; thôn Gia Giã (Kreng cũ) xã Hướng Hiệp. Cùng với đó, dự án trồng cây hương nhu, cây sả được triển khai tại các xã: Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hướng Hiệp. Cây hương nhu cho năng suất cao, mỗi năm thu hoạch cắt 3 - 4 lần (54 - 72 tấn/năm), giá cây hương nhu trung bình 450.000 đồng/tấn; tổng doanh thu mang lại 24,3 - 32,4 triệu đồng/ha/năm. Cây sả cho năng suất khoảng 15 - 17 tấn/ha bao gồm cả lá, thân; trung bình 1 tấn chưng cất tinh dầu 4 lít, giá bán tinh dầu khoảng 800.000 đồng/lít; 1 ha cho thu nhập khoảng 48 - 54,4 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Với mục tiêu phát triển cây dược liệu phù hợp với từng vùng sinh thái, giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân…, trong giai đoạn từ 2022 - 2025, huyện Đakrông sẽ phát triển vùng trồng dược liệu tập trung theo các vùng với quy mô lớn, khoảng 950 ha. Đồng thời, phát triển cây dược liệu quý như sa nhân, đẳng sâm… với diện tích 80 ha và các loài đã được trồng ổn định, sinh trưởng tốt, đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao trên địa bàn.
Cùng với đó, địa phương sẽ phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu ở địa điểm có nguồn nguyên liệu phong phú, số lượng lớn; phát triển 3 vườn ươm sản xuất giống phục vụ phát triển dược liệu với quy mô trên 5.000 m2 ; xây dựng 5-7 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu… Để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhiều giải pháp sẽ được huyện Đakrông triển khai trong thời gian tới, trong đó tăng cường quản lý nhà nước về phát triển cây dược liệu; thực hiện lồng ghép giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Đồng thời, địa phương sẽ tiến hành rà soát và đánh giá chất lượng, quy hoạch vùng để chuyển một số diện tích đủ điều kiện sang kinh doanh với quy mô lớn, hình thành các mô hình có hiệu quả phục vụ việc nhân rộng... Phát triển trồng mới ứng dụng thâm canh, nông lâm kết hợp, tăng năng suất sản lượng, đa dạng cây trồng, tiếp tục phát triển một số cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên đã được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu, loại cây dược liệu có giá trị và phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu, nhất là đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chế biến tạo ra sản phẩm an toàn, có tiềm năng. Đồng thời thông tin, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, lựa chọn giống cây trồng đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc trồng dược liệu. Trên cơ sở đó hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia có sự quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng. Tập trung đào tạo, tập huấn cho người dân trồng cây dược liệu. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, gia đình, HTX, doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách của nhà nước và các chương trình, dự án để đầu tư phát triển cây dược liệu theo hướng thực chất, hiệu quả.