Triển vọng phát triển kinh tế từ cây sâm bố chính

Từ việc trồng thử nghiệm 2.000 m² cây sâm bố chính tại xã Chiềng San, huyện Mường La, đã mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế của các thành viên Hợp tác xã Nam Y dược Phú Tuệ - Mường La.

Các thành viên HTX chăm sóc vườn sâm bố chính tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Các thành viên HTX chăm sóc vườn sâm bố chính tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La.

Anh Lò Duy Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Nam Y dược Phú Tuệ - Mường La, người đầu tiên đưa cây sâm bố chính về huyện trồng thử nghiệm, chia sẻ: Năm 2019, tôi tình cờ đọc được thông tin trên mạng về loài sâm bố chính. Qua tìm hiểu được biết về công năng ứng dụng trong các bài thuốc nam và có hiệu quả kinh tế, tôi đã đặt mua hạt giống sâm bố chính từ Hợp tác xã dược liệu Phúc Lộc Thọ, tỉnh Bình Phước về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Qua một năm, vườn sâm phát triển khá tốt, cho thu hoạch 1 tấn củ sâm tươi, bán với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Tôi nhận thấy, cây sâm phù hợp với chất đất, khí hậu khô, nóng của huyện và có tiềm năng phát triển kinh tế tốt.

Để mở rộng diện tích, tăng sản lượng và hướng tới chế biến sâu sản phẩm, năm 2021, anh Tùng đã liên kết với một số hộ nông dân thành lập HTX, với 15 thành viên, quy mô 1,3 ha trồng cây sâm bố chính tại địa bàn thị trấn Ít Ong, xã Mường Chùm, Mường Bú, Hua Trai của huyện Mường La và xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn. Hiện nay, các vườn sâm bố chính của HTX đang phát triển tốt, dự kiến cuối năm 2022 sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 6-6,5 tấn củ sâm tươi. Đầu ra cho sản phẩm sâm tươi tại các đầu mối của tỉnh Quảng Ninh, một số tỉnh phía Nam và thị trường nội tỉnh. Theo thành viên HTX, trừ chi phí, ước thu 150 triệu đồng/ha trồng cây sâm bố chính, cao hơn so với trồng cây ngô, sắn...

Sâm bố chính còn gọi là sâm thổ hào, sâm báo, sâm tiến vua, thuộc họ bông. Cây cao khoảng 50cm, rễ mập thành củ, lá có cuống dài mọc so le, hoa to màu đỏ, quả nang, hình trứng nhọn, khi chín nứt thành 5 mảnh; hạt nhiều, có màu nâu. Sâm chứa nhiều tinh bột, nhiều chất nhầy đặc trưng, có vị ngọt đắng, tính mát. Ứng dụng làm thuốc trong y học cổ truyền, là thành phần trong các bài thuốc về các bệnh gan, thận, đại tràng, dạ dày, bồi bổ sức khỏe, lưu thông khí huyết... Ngoài ra, còn sử dụng để ngâm rượu, ngâm mật ong, làm nước giải khát...

Củ sâm bố chính 4 tháng tuổi.

Củ sâm bố chính 4 tháng tuổi.

Ông Lò Văn Lực, bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, thành viên HTX, thông tin: Gia đình tôi có diện tích nương khá rộng, trước đây trồng cây sưa, chanh leo và các cây ngắn ngày như ngô, đậu... Đầu năm 2021, tôi tự tìm hiểu và đem sâm bố chính về trồng, sau một năm chăm sóc thu được 1,5 tấn sâm bán được 100 triệu đồng. Giữa năm 2021, tôi tham gia thành viên Hợp tác xã Nam Y dược Phú Tuệ, huyện Mường La, học hỏi thêm về cách trồng sâm cũng như tính ứng dụng của sâm. Năm 2022, gia đình tôi tăng diện tích trồng sâm lên 8.000 m², hiện nay vườn sâm phát triển tốt, dự kiến cuối năm 2022 sản lượng đạt khoảng 3,5 tấn củ sâm tươi thương phẩm.

Còn anh Lò Văn Nhung, bản Nà Lo, thị trấn Ít Ong cũng là thành viên HTX, cho biết: Tháng 4/2022, gia đình tôi chuyển 400 m² đất ruộng trồng lúa để trồng cây sâm bố chính, hiện cây sâm đang phát triển tốt, đến cuối năm là cho thu hoạch. Sang năm, gia đình dự định sẽ tăng diện tích trồng sâm lên khoảng 3.000 m².

Theo các hộ trồng sâm bố chính, đây là loài cây khá nhạy cảm với các yếu tố sâu bệnh, môi trường. Vì vậy, trước khi trồng phải cày xới đất tơi xốp, bón lót phân vi sinh, xử lý triệt để mầm sâu bệnh hại, rắc vôi khử chua, sau đó đánh luống thành từng hàng và gieo hạt sâm đã ngâm nước trước đó khoảng 1 ngày; khoảng cách gốc từ 30-40 cm. Là một loại dược liệu quý, tác động trực tiếp tới sức khỏe khi sử dụng, nên HTX đã chủ động kiểm soát quá trình chăm sóc, tuyệt đối không để tồn dư các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm khi thu hoạch, không sử dụng phân hóa học, chỉ dùng phân vi sinh hoặc phân chuồng ủ hoai mục, làm cỏ hoàn toàn theo cách truyền thống... Thường xuyên phòng trừ sâu bệnh thường gặp như nấm, khuẩn, rầy, rệp. Thời điểm thích hợp nhất để trồng sâm tại miền Bắc là vào đầu mùa khô, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, sau 9 tháng đến 1 năm là có thể cho thu hoạch sâm tươi thương phẩm.

HTX Nam Y dược Phú Tuệ - Mường La đang có kế hoạch mở rộng thêm 2 ha trồng sâm bố chính; đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để chế biến sâu sản phẩm; gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phấn đấu đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trien-vong-phat-trien-kinh-te-tu-cay-sam-bo-chinh-52731