Triển vọng quan hệ Nga - Mỹ dưới thời ông Joe Biden

Trong vài tháng đầu, thậm chí một năm, chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden sẽ mang tính phản ứng hơn là chủ động.

Ngày 7/11, đồng loạt nhiều kênh truyền thông lớn đưa tin ứng cử viên Joe Biden đã có chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống trước ông Donald Trump. Trong khi chờ sự xác nhận của các bang đối với kết quả bỏ phiếu, sau đó là việc bỏ phiếu của các đại cử tri trước khi kết quả cuối cùng được công bố tại Quốc hội Mỹ vào tháng 1/2021, thì truyền thông và học giả tại Nga đã đưa ra những nhận định về triển vọng quan hệ Mỹ - Nga dưới thời ông Joe Biden.

Ông Joe Biden. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Andrei Kortunov cho biết trong vài tháng đầu, thậm chí một năm, chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden sẽ mang tính phản ứng hơn là chủ động.

Chính quyền Biden sẽ buộc phải tác động đến những thay đổi trong tình hình quốc tế, nhưng khó có thể mong đợi bất kỳ sáng kiến lớn, các bước chính sách đối ngoại đột phá nào, bởi vì sự chú ý sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước. Theo chuyên gia, việc ra quyết định của chính quyền ông Joe Biden sẽ mang tính tập thể hơn so với dưới thời ông Donald Trump, và sẽ phụ thuộc vào các vị trí sẽ được bổ nhiệm trong chính quyền.

Chính sách đối ngoại của Mỹ có sự thay đổi theo hướng cứng rắn hơn, phê phán nhiều khía cạnh trong chính sách của Nga. Có thể Mỹ sẽ đưa ra nhiều cáo buộc chống lại Nga về vấn đề nhân quyền, ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Moscow, ủng hộ các nước Đông Âu nhằm gây áp lực với Nga ở hướng Đông. Chính quyền ông Biden sẽ tái khẳng định các cam kết đối với NATO như một biện pháp răn đe Nga, duy trì và tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga sau các sự kiện năm 2014 liên quan tới Ukraine. Tuy nhiên, chính sách trừng phạt toàn diện của Mỹ đối với Nga khó có thể đẩy lên cao hơn.

Trong khi đó, truyền thông cũng đưa ra những nhận định về chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga khi xâu chuỗi các phát biểu, tuyên bố của ông Joe Biden trong thời gian qua. Theo đó, khó có thể kỳ vọng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước, bởi ông Joe Biden đã nhiều lần nhấn mạnh rằng trong trường hợp chiến thắng, ông sẽ gia tăng sức ép lên Điện Kremlin.

Mới đây nhất, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CBS, ông Joe Biden đã gọi Moscow là "mối đe dọa chính" đối với an ninh của Mỹ và các liên minh. Ông Joe Biden cũng đã phản đối tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho rằng Trung Quốc chứ không phải là Nga mới là nước đang cố gắng gây ra sự bất hòa trong chính trường Mỹ. Ông cũng cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga muốn chứng kiến sự bất ổn trong cuộc bầu cử tại Mỹ.

Ngoài ra, ông Biden cũng tích cực ủng hộ phiên bản cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống ở Mỹ. Do đó, không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ có các biện pháp trừng phạt mới về vấn đề này. Trong một tuyên bố chính thức, ông Biden cảnh báo Điện Kremlin và các chính phủ nước ngoài khác rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ coi sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống là hành động thù địch, ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ giữa Mỹ và chính phủ của nước can thiệp.

Điểm lạc quan trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ với Nga có thể được ghi nhận trong vấn đề kiểm soát vũ khí. Về mặt này, Mỹ sẽ thể hiện quan điểm mang tính xây dựng hơn, trước mắt gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-III). Ngoài ra, Mỹ có thể gia tăng tương tác với Nga về một số vấn đề khu vực. Ông Biden có thể đưa Mỹ trở lại một thỏa thuận đa phương về hồ sơ hạt nhân của Iran, phần nào đáp ứng lợi ích của Nga./.

Văn Thường/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trien-vong-quan-he-nga-my-duoi-thoi-ong-joe-biden-816007.vov