Triển vọng tài sản của châu Á đảo ngược chỉ trong một tháng
Chỉ trong vòng một tháng, các tài sản ở khu vực thị trường châu Á mới nổi đã đảo ngược từ vị thế được nhà đầu tư hào hứng mua vào sang bị bán tháo. Những tín hiệu nêu trên, cộng thêm khả năng Mỹ tăng lãi suất mạnh hơn, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục thận trọng với các tài sản ở khu vực châu Á trong tháng 3 này.
“Nguội lạnh” với tài sản đầu tư trước mối lo Fed tăng lãi suất
Dòng tiền chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng nhanh. Cùng lúc đó, các đồng tiền trong khu vực châu Á mới nổi giảm về ở mức thấp nhất trong nhiều tháng so với đô la Mỹ. Trong tháng 2, các quỹ đầu tư toàn cầu cũng bán tháo trái phiếu của các nước châu Á. Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, niềm lạc quan về triển vọng tăng trưởng tài sản ở khu vực châu Á mới nổi đã nhanh chóng tàn lụi khi họ lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất cao hơn mức dự kiến, làm xói mòn nhu cầu đối với các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu. Điều đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại với đồng đô la Mỹ để trú ẩn an toàn.
Đà phục hồi ngắn ngủi của các tài sản ở những nước đang phát triển của châu Á cho thấy rõ giới đầu tư gặp khó khăn trong việc dự đoán mức lãi suất đỉnh của Fed trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại. Các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ trong tháng 1 đã dập tắt kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng xoay trục chính sách của Fed. Theo Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone Group, quan điểm đồng thuận của thị trường vào đầu năm cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ giảm dần trong năm nay rõ ràng đang bị thách thức.
Hầu hết các nhà phân tích dự báo tài sản ở khu vực châu Á sẽ chưa sớm phục hồi. Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nợ của các thị trường mới nổi có thể phải đối mặt với những rủi ro tương tự như năm 2022.
Trong báo cáo gần đây, các nhà chiến lược của TD Securities viết: “Việc định giá lại lãi suất của Fed đã đặt dấu chấm hết cho đà phục hồi ở các thị trường mới nổi và thật khó để hình dung triển vọng đảo ngược tình thế hiện tại. Sức mạnh của đô la Mỹ có thể kéo dài lâu hơn một chút khi thị trường cố gắng tìm sự cân bằng giữa triển vọng phục hồi tăng trưởng toàn cầu và rủi ro lãi suất tăng cao hơn”.
Chờ tín hiệu tích cực từ Trung Quốc
Bức tranh của thị trường châu Á mới nổi hiện tại là một sự đảo ngược so hồi tháng 1 khi cơn hưng phấn của giới đầu tư đẩy tăng giá hầu hết mọi tài sản ở khu vực này. Trong tháng đầu năm, chứng khoán châu Á tăng hơn 8% và các tiền tệ của khu vực này đồng loạt bật dậy. Trong khi đó, trái phiếu của các nước trong khu vực ghi nhận tháng tăng giá mạnh nhất kể từ khi dữ liệu được theo dõi vào năm 2008.
Trong tháng 2, chỉ số MSCI EM Asia, theo dõi các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn ở thị trường châu Á mới nổi, giảm khoảng 7%, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Chỉ số này đã giảm xuống dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200), một thước đo xu hướng dài hạn của thị trường, báo hiệu rằng sẽ còn nhiều bất ổn hơn ở phía trước.
Đồng đô la mạnh hơn đang thúc đẩy giới đầu tư nước ngoài bán các tài sản ở châu Á. Theo dữ liệu của Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 1 tỉ đô cổ phiếu của Hàn Quốc và Đài Loan vào tuần trước khi họ những hoài nghi về sự phục hồi của ngành công nghiệp ở hai nền kinh tế này.
Tháng trước, các quỹ phòng hộ có trụ sở tại Mỹ, cũng bán mạnh cổ phiếu của các công Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trong bối cảnh các điều kiện tài chính bị thắt chặt, theo Ngân hàng Morgan Stanley/
Bắc Kinh có thể công bố nhiều biện pháp kích thích hơn tại kỳ họp quốc hội thường niên vào đầu tháng 3 này. Một lập trường ủng hộ tăng trưởng tại kỳ họp này sẽ tạo động lực cho các tài sản trong khu vực giống như những tác động tích cực đối với các tài sản rủi ro từ quyết định tái mở cửa kinh tế của Trung Quốc vào cuối năm ngoái
Christina Woon, Giám đốc lĩnh vực đầu tư chứng khoán châu Á tại Công ty đầu tư Abrdn (Anh), nhận định: “Diễn biến của thị trường châu Á phần lớn sẽ phụ thuộc vào tâm lý sau kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong tháng 3”.
Dù vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi của Trung Quốc nhưng chuyên gia này chia sẻ bà thận trọng với những kỳ vọng về bất kỳ gói kích thích lớn nào mà Bắc Kinh có thể triển khai.
Theo Bloomberg