Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế APEC
Báo cáo mới công bố về xu hướng kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương dự kiến, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 và sẽ ổn định ở mức 4,9% vào năm 2022.
Theo Phân tích xu hướng khu vực APEC (ARTA) mới nhất, kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 8% trong nửa đầu năm 2021, sau khi giảm 3,7% trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nền kinh tế thành viên tiếp tục phân hóa và duy trì sự không chắc chắn.
Tăng trưởng về khối lượng và giá trị thương mại hàng hóa tăng tốc ở mức hai con số trong nửa đầu năm nay nhờ tác động tổng hợp của điểm so sánh thấp sau sự suy thoái kinh tế đáng kể một năm trước và đà phục hồi trong hoạt động kinh tế.
Giao dịch hàng hóa liên quan dịch Covid-19 như dược phẩm, thiết bị viễn thông và máy tính tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, phân tích cũng cho thấy đầu tư vào lĩnh vực xanh của khu vực APEC xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm. Điều này đặc biệt liên quan vai trò quan trọng của khối trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và năng suất cũng như cải thiện công nghệ và kỹ năng trong nước.
Một sự phát triển khác liên quan lạm phát gia tăng. Khu vực này ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn 2,6% trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, sau khi tăng trung bình 1,5% vào năm 2020. Phân tích chỉ ra nguy cơ lạm phát có xu hướng tăng lên đối với đà phục hồi kinh tế nếu không được giải quyết.
Tiến sĩ Denis Hew, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC, đơn vị đưa ra báo cáo cho biết: “APEC, cùng với nền kinh tế toàn cầu, là vùng đất chưa được khám phá, nơi mà quá trình phục hồi đang được tiến hành ngay cả trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra".
Có rất nhiều bài học khó khăn được rút ra từ đại dịch, trọng tâm là các chính sách kinh tế, thương mại và y tế gắn liền với nhau - và các chính sách tốt mới là điều quan trọng.
Ông Hew cho biết thêm: “Cần giải quyết khẩn cấp vấn đề tiếp cận không bình đẳng đối với vaccine để tránh tình trạng phục hồi hai chiều. Các nền kinh tế APEC cũng nên cân nhắc chắc chắn trước quyết định mở cửa kinh tế từng bước và ổn định để hồi sinh các lĩnh vực như du lịch và lữ hành, phục hồi các ngành sản xuất”.
Báo cáo cũng đề cập mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu đối với khu vực và nhân loại nói chung, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng của các nền kinh tế APEC.
Nhà phân tích tại Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC Emmanuel San Andres, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là lĩnh vực không chỉ của các nhà khoa học mà còn là của các nhà hoạch định chính sách, những người có thể thay đổi cơ cấu khuyến khích và các quy tắc.
Theo chuyên gia này, biến đổi khí hậu tác động không cân đối đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm cả người nghèo và người bản địa, ngay cả khi họ tác động ít nhất vào nó.
Báo cáo lưu ý rằng, ngay cả trong trường hợp tốt nhất, khi biến đổi khí hậu được duy trì ở mức bằng hoặc dưới 2°C, APEC có thể dự kiến thiệt hại về GDP lên tới 11,3% vào năm 2050, vì vậy, cần tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực đi cùng hành động chứ không chỉ là cam kết về biến đổi khí hậu.
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể trên nhiều lĩnh vực và bao gồm cả việc đảm bảo thực hiện các chính sách xanh giải quyết các tác dụng phụ tiêu cực của nó.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trien-vong-tang-truong-cua-cac-nen-kinh-te-apec-164274.html