Triển vọng thành lập chính phủ mới ở Hà Lan: Kết quả khó dự đoán

Triển vọng thành lập chính phủ mới ở Hà Lan vốn đã gặp sóng gió sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Mark Rutte, nay lại càng bế tắc hơn sau khi một đối tác quan trọng để bảo đảm thế đa số tại Quốc hội đã từ chối tham gia chính quyền mới. Quá trình đàm phán thậm chí có thể kéo dài nhiều tháng và gần như không thể dự đoán được kết quả.

Nỗ lực thành lập chính phủ mới của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang gặp nhiều trở ngại.

Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Nederlands Dagblad, lãnh đạo đảng ChristenUnie, ông Gert-Jan Segers cho biết, đảng này không thể là một phần của Chính phủ Hà Lan dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng M.Rutte ở nhiệm kỳ thứ tư. Đây là một trong 4 đảng thuộc liên minh cầm quyền do đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của ông M.Rutte đứng đầu kể từ năm 2017. Tuyên bố cứng rắn này được đưa ra ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà Thủ tướng M.Rutte đã vượt qua với tỷ lệ rất sít sao, liên quan đến những kiến nghị phản đối cách hành xử của ông trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ.

Đảng VVD của Thủ tướng M.Rutte vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội sau cuộc bầu cử hồi giữa tháng 3 vừa qua. Dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 82,6% cử tri Hà Lan đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới ở xứ sở Hoa tulip đã phải tạm ngừng hôm 25-3 sau khi Bộ trưởng Nội vụ Kajsa Ollongreen có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Nhà khoa học chính trị Tom Louwerse của Đại học Leiden (Hà Lan) nhận định, thật khó có thể hình dung về nội các thứ tư của Thủ tướng M.Rutte nếu không có sự ủng hộ của đảng ChristenUnie. Ông T.Louwerse cho rằng, kịch bản tốt nhất có thể là chính trị gia này không tham gia vào quá trình hình thành chính phủ mới, nhưng vẫn giữ vai trò Thủ tướng cho đến khi có một chính phủ mới được thành lập. Dự kiến Quốc hội Hà Lan sẽ chỉ định một quan chức độc lập có nhiệm vụ đề ra cách thức nhằm thúc đẩy tiến trình thành lập chính phủ ở nước này. Mặc dù vậy, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và đảng D66, hai đảng được cho là không thể thiếu trong liên minh cầm quyền của VVD cũng đã đưa ra kiến nghị phản đối và nêu quan điểm rõ ràng rằng rất khó để ông M.Rutte có thể trở lại đàm phán.

Thủ tướng M.Rutte, hôm 3-4, đã tuyên bố sẽ không từ bỏ việc thành lập chính phủ mới, đồng thời hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong những tuần tới. Lên nắm quyền từ năm 2010, ông là một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở châu Âu. Đảng VVD cũng cho biết họ không có ý định thay thế chính trị gia 54 tuổi này trong vai trò lãnh đạo đảng.

Một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thấy tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng M.Rutte đã giảm mạnh từ 54% trong tuần trước đó xuống còn 25%. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng của liên minh cầm quyền diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại Hà Lan tăng nhanh bất chấp các biện pháp phong tỏa kéo dài trong nhiều tháng nay. Tái thiết nền kinh tế sau dịch là một thách thức lớn khi Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng của nước này sẽ chỉ đạt 1,8% trong năm 2021, thấp nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng M.Rutte nhiều lần khẳng định, ưu tiên hiện nay là dẫn dắt đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng bởi dịch Covid-19. Song, chính phủ của ông đang phải đối mặt với những lời chỉ trích do sự chậm trễ trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin.

Sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2017, đảng VVD của Thủ tướng M.Rutte đã cần tới thời gian kỷ lục là 208 ngày để thành lập chính phủ liên minh. Sự trì trệ trong các cuộc đàm phán cùng những thách thức mà nhà lãnh đạo này đang phải đương đầu khiến kết quả cuối cùng chưa thể sớm ngã ngũ.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/995493/trien-vong-thanh-lap-chinh-phu-moi-o-ha-lan-ket-qua-kho-du-doan