Triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ngày càng mờ mịt
Những động thái hạ nhiệt của Mỹ sau những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc cùng các đối tác này thiết lập một mặt trận thống nhất để chống lại Trung Quốc, trong vấn đề thương mại và dĩ nhiên sẽ làm trì hoãn lâu hơn bất cứ thỏa thuận thương mại nào giữa Washington và Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) hôm 7-9. Ảnh: Reuters
Mỹ đang tạo ra mặt trận hợp tác chống Trung Quốc
Theo tờ The Wall Street Journal, triển vọng giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng xa vời khi Nhà Trắng tiến gần hơn đến một thỏa thuận sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada.
Hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mexico và Canada cộng với một thỏa thuận thương mại sơ bộ với EU sẽ mở đường để Mỹ thiết lập một mặt trận đa phương chống lại những thực hành thương mại bị cáo buộc bất công của Trung Quốc.
Mỹ, EU và Nhật Bản cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm thảo luận khả năng xây dựng một chiến lược hợp tác như vậy.
Trong bài xã luận đăng trên trang tin Politico Europe hôm 7-9, tân đại sứ Mỹ tại EU, Gordon Sondland, kêu gọi Mỹ và EU vượt qua các bất đồng thương mại và cùng sát cánh bên nhau để chống lại “sự xâm lược kinh tế” của Trung Quốc.
Ông viết: “Chúng ta cùng muốn thấy Trung Quốc cung cấp sự tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và loại bỏ các thực hành thương mại bất công. Cùng hợp tác với nhau, chúng ta có thể kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đưa ra các biện pháp cần thiết, cho phép nền kinh tế của nước này vận hành một cách công bằng hơn”.
Các tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác đồng minh cũng giúp dập tắt những chỉ trích từ quốc hội Mỹ và ngành công nghiệp Mỹ cho rằng, chính quyền sai lầm khi chọn cách đối đầu với các đồng minh cùng lúc với phát động cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc.
Ngoài ra, các quan chức Nhà Trắng cho biết, nỗ lực hàn gắn quan hệ thương mại với các đối tác trên cũng sẽ giúp thu phục thêm các đồng minh để ngăn chặn các nhà xuất khẩu Trung Quốc né thuế phạt của Mỹ bằng cách bán hàng hóa sang các nước thứ ba rồi mới xuất khẩu sang Mỹ.
Tổng thống Trump dọa áp thuế thêm cho 267 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc
Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Argentina vào cuối tháng 11 có thể là cơ hội cuối cùng để quyết bất đồng thương mại Mỹ-Trung trong năm 2018. Ảnh: Twitter
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 5-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Chúng tôi không sẵn sàng ký kết một thỏa thuận mà họ (Trung Quốc) muốn”.
Stephen Moore, nhà kinh tế ở Quỹ Heritage, tổ chức đang tư vấn chính sách cho các quan chức Nhà Trắng, nhận định: “Chiến lược cơ bản của Trump, chúng ta phải tận dụng lợi thế chúng ta đang có”.
Lập trường cứng rắn hơn của Nhà Trắng sẽ khiến Washington và Bắc Kinh khó đạt được một thỏa thuận thương mại thông qua hai hội nghị quốc tế cấp cao vào tháng 11 tới.
Tháng trước, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Trump sẽ không dự hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở quốc đảo Papua New Guinea vào giữa tháng 11.
Vậy nên, cơ hội cho một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có thể là hội nghị cấp cao của nhóm các nền kinh tế lớn G20 ở Argentina vào cuối tháng 11.
Nhà Trắng đang sẵn sàng gây sức ép lên Trung Quốc bằng cách áp thuế phạt lên đến mức 25% trên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, ngoài 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó.
Thời hạn lấy ý kiến đóng góp của công chúng đối với các mặt hàng trong trong danh sách 200 tỉ đô hàng hóa này đã chính thức khép lại hôm 6-9 nên Mỹ có thể thông báo áp gói thuế mới bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ cần thêm nhiều tuần nữa để xem xét hơn 4.000 ý kiến đóng góp trước khi ra quyết định cuối cùng.
Hôm 7-9, trao đổi với các phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One), Trump nhấn mạnh gói thuế mới sẽ sớm được áp dụng đồng thời cảnh báo, ông sẵn sàng bất ngờ tuyên bố áp thuế thêm đối với 267 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ còn lại. Nếu lời đe dọa này thành hiện thực, tất cả hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ đều bị áp thuế phạt.
Một số hiệp hội thương mại Mỹ đang cân nhắc kiện Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để yêu cầu dừng các hành động áp thuế phạt nhằm vào hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng Nhà Trắng đã đi quá quyền lực cho phép và hành động tùy tiện.
Luật sư Stephen Kho từ hãng luật quốc tế Akin Gump ở Washington, quan chức thương mại dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng, có những lo ngại về việc Trump đã hành động vượt quá phạm vi quyền lực của tổng thống.
Bắc Kinh kiên nhẫn chờ đợi
Trong khi đó, Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược kép.
Một mặt, các quan chức Trung Quốc trấn an thị trường bằng cách nhấn mạnh rằng, hai nước vẫn tiếp tục thảo luận thương mại sau cuộc đàm phán bất thành vào cuối tháng trước ở Washington. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm cứng rắn và không kỳ vọng nhiều vào khả năng đạt được các tiến triển trong đàm phán thương mại với Mỹ trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới.
Các quan chức Trung Quốc tin rằng, nếu phe Cộng hòa hứng chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử này, Tổng thống Trump sẽ phải hạ thấp lập trường trong các cuộc đàm với Trung Quốc.
“Trump đang quá bận rộn với chính trị trong nước. Trung Quốc có đủ kiên nhẫn và có thể chịu đựng các đòn công kích thương mại của Mỹ trong một thời gian”, Yu Yongding, một thành viên từ CE50 (Chinese Economists 50 Forum), tổ chức tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, cho biết.
Trung Quốc có rất ít sựa lựa chọn. Cuộc đàm phán thương mại thất bại vào tháng trước đã bộc lộ các hố ngăn cách lớn giữa Washington và Bắc Kinh.
Các nhà đàm phán Trung Quốc tập trung yêu cầu Mỹ tuân thủ các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chỉ đưa ra một số ý tưởng chung cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung nhưng các nhà đàm phán chính quyền Trump muốn Trung Quốc đưa ra nhiều cam kết cụ thể hơn.
Trước đây, các cố vấn thương mại của Tổng thống Trump chia rẽ về cách tiếp cận đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại nhưng hiện nay, họ đã chuyển theo chiều hướng ủng hộ lập trường của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đang thúc ép Trung Quốc phải tiến hành các thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế bao gồm: giảm các chính sách trợ cấp và các chính sách công nghiệp khác ưu ái các công ty trong nước. Song Trung Quốc khó mà chấp nhận các yêu cầu này.
Nhà Trắng và các đồng minh cho rằng, Trung Quốc đang hiểu sai về nền chính trị Mỹ khi cho rằng, Tổng thống Trump sẽ xuống nước nếu đảng Cộng hòa không giành kết quả khả quan trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Họ cho rằng, một khi tổng thống Trump bị tổn thương sẽ càng có khả năng gây sức ép mạnh hơn với Trung Quốc.
Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng, Steve Bannon, nói: “Trung Quốc nghĩ rằng, để chặn đứng được thái độ đối đầu của Trump thì sức mạnh của Trump cần phải bị chặn đứng ở thùng phiếu. Họ (Trung Quốc) không hiểu rằng ông ấy sẽ không nhượng bộ dù kết quả bầu cử thế nào”.
Chánh Tài