Triển vọng tích cực và những dấu ấn điều hành

Theo các chuyên gia của HSBC, dù có nhiều thách thức, khó khăn phía trước nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện.

Trong thách thức vẫn vươn mình tốt

Tại sự kiện “Step into the future” – một hội thảo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, trong bối cảnh chịu nhiều áp lực từ sự chậm lại của kinh tế, thương mại toàn cầu và đặc biệt là căng thẳng thương mại gia tăng, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020.

Mặc dù các mức tăng trưởng này đều thấp hơn mức tăng trưởng thực đã đạt được trong những năm trước đây, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay, HSBC và các chuyên gia quốc tế khác vẫn đánh giá “Việt Nam đang vươn mình tốt trong thách thức và là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế”; đặc biệt Việt Nam vẫn tiếp tục ở trong số các quốc gia dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Có được kết quả trên một phần nhờ Việt Nam cũng là điểm sáng trên bản đồ đầu tư toàn cầu khi dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn ổn định cho dù gần đây áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với các quốc gia trong khu vực đang ngày càng căng thẳng hơn. Năm 2018 lần đầu tiên ghi nhận dòng vốn FDI chảy vào ASEAN lớn hơn vào Trung Quốc. Trong đó, bóc tách riêng từng quốc gia trong ASEAN thì Việt Nam là điểm đến thu hút FDI trong ngành sản xuất với tỷ lệ lớn nhất tính trên GDP.

Không chỉ khu vực sản xuất tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự góp sức của dòng vốn FDI mà trong ngành dịch vụ, một số lĩnh vực thậm chí còn tăng trưởng cao hơn so với ngành sản xuất. “Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tăng trưởng kinh tế Việt Nam không chỉ dựa trên ngành sản xuất mà còn được thúc đẩy bởi tăng trưởng trong các lĩnh vực khác như dịch vụ và do đó cho thấy một sự tăng trưởng toàn diện”, ông Joseph Incalcaterra - chuyên gia kinh tế cao cấp của HSBC về ASEAN nhấn mạnh.

Chuyên gia của HSBC cũng cho biết, cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có những thay đổi tích cực, với các biểu hiện như: đóng góp của dầu thô vào tăng trưởng đang giảm dần trong khi đóng góp từ khu vực sản xuất và dịch vụ tăng tốc mạnh mẽ; vốn FDI vào Việt Nam vẫn duy trì ổn định và xuất khẩu của khối DN FDI tiếp tục vượt trội, tuy nhiên xuất khẩu của khối DN trong nước cũng đang tăng lên và dần bắt kịp xu thế này.

Dấu ấn từ điều hành và thách thức phía trước

Ngoài các vấn đề liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia HSBC cũng có những nhận định tích cực liên quan đến các yếu tố vĩ mô khác, như cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện; lạm phát nhiều khả năng tiếp tục giữ ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu (HSBC dự báo lạm phát 2019 ở mức 2,7% và năm 2020 ở mức 3%); nợ công và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. Theo chuyên gia Joseph Incalcaterra, dấu ấn điều hành của Chính phủ và NHNN trong đạt được những kết quả vừa qua là rất rõ nét.

Đáng chú ý, những biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng đã giúp nợ công giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP trong năm 2016 xuống các mức thấp và ổn định quanh 61,3% GDP trong các năm 2017-2018. HSBC dự báo nợ công sẽ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 61,3% so với GDP (theo cách tính quy mô GDP hiện tại) trong các năm 2019-2020.

Bên cạnh đó, với chính sách kiểm soát chặt và nâng cao chất lượng tín dụng của NHNN, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống đã giảm xuống đáng kể, đồng thời dòng vốn cũng hạn chế vào khu vực bất động sản mà tập trung vào sản xuất kinh doanh và các ngành công nghiệp có khả năng thương mại hóa...

Đặc biệt, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện; lợi nhuận của các NHTM tăng trưởng tích cực hơn, trong khi nợ xấu đang giảm dần. Các NHTM tại Việt Nam cũng đang bước vào cuộc đua tái cấu trúc vốn để nâng cao năng lực tài chính và hướng đến sự ổn định.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn cả trong nước cũng như bên ngoài. Các chuyên gia HSBC đặc biệt nhấn đến những thách thức bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm cũng như trong năm tới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang “lao dốc một cách đồng bộ”, nhất là tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…; trong khi nhu cầu giảm sút (đặc biệt với ngành điện tử) sẽ đặt ra áp lực suy giảm xuất khẩu với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Theo tính toán của HSBC, nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm ở tốc độ 1%, thì tác động giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức gần 0,5%. Còn tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1% sẽ tác động giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức gần 0,3%.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dự kiến còn kéo dài cũng sẽ có những tác động cả tích cực và tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Một loạt mặt hàng xuất khẩu đã và có thể chịu tác động như: các sản phẩm thép và nhôm, máy giặt, máy tính và phụ kiện, dệt may, thủy sản… Mặc dù vậy, khi so sánh và tính toán bù trừ giữa tác động tích cực và tiêu cực, các chuyên gia của HSBC cho rằng lợi ích vẫn chiếm nhiều hơn so với những thiệt hại.

Và theo đánh giá của các chuyên gia HSBC, dù có những thách thức phía trước nhưng Việt Nam sẽ vượt qua. “Dù còn những thách thức liên quan đến hạ tầng, chính sách, hay việc phân bổ các nguồn lực và đặc biệt là môi trường bên ngoài biến động cũng như căng thẳng thương mại gia tăng hiện nay… nhưng là người quan tâm đến thị trường này trong 4-5 năm qua và với những gì đang diễn ra, tôi thấy sẽ không có điều gì cản trở được Việt Nam vượt lên để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực”, CEO HSBC Việt Nam Tim Evans nhấn mạnh.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trien-vong-tich-cuc-va-nhung-dau-an-dieu-hanh-92764.html