Triển vọng từ cây tầm vông
Tầm vông là một loại tre có nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và sản xuất. Trồng cây tầm vông có ưu điểm là vốn đầu tư thấp, thích hợp với nhiều loại đất, chăm sóc đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế không thua kém nhiều loại cây trồng khác. Chính vì vậy, tầm vông đang là lựa chọn của nhiều nhà vườn trong phát triển kinh tế.
Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dễ nhận thấy nhất là thiên tai xảy ra nhiều, cường độ cao hơn làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Vậy nên, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì sức sống mãnh liệt của loại cây trồng này có thể chống chọi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO
Xanh ngát, thẳng hàng là những gì dễ nhận thấy nhất ở mô hình trồng tre tầm vông của Tổ hợp tác tầm vông ấp Đông Phất, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản. Trong đó, đa số thành viên của tổ hợp tác là đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ ông Điểu Phúc ở xã Thanh Bình có hơn 1 ha tầm vông đang cho khai thác. Ông Phúc cho biết, tầm vông không chỉ dễ trồng mà còn giữ đất tốt, thời gian từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 3 năm. Ngoài giá trị kinh tế, tầm vông còn có khả năng bảo vệ đồi đất dốc, có thể sinh trưởng tốt ở những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa - nơi mà các loại cây trồng khác khó có khả năng phát triển, nên việc lựa chọn cây tầm vông là hướng đi thích hợp đối với gia đình ông. Ông Điểu Phúc chia sẻ: “Trước đây, diện tích đất này gia đình tôi canh tác lúa nhưng từ khi chuyển sang trồng tầm vông thì hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Mình chỉ đầu tư ban đầu, sau đó thu hoạch quanh năm và vòng đời của cây tầm vông cũng dài”.
Theo các nhà vườn, trồng tầm vông mỗi năm cho thu hoạch nhiều lần và vòng đời của loại cây này kéo dài từ 45-50 năm theo kiểu tre già măng mọc - Ảnh: Như Nam
Theo các nhà vườn, vòng đời của loại cây trồng này kéo dài từ 45-50 năm theo kiểu tre già măng mọc, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay sâu bệnh. Vốn đầu tư ban đầu rất thấp, chỉ cần từ 15-20 triệu đồng nhà vườn có thể đầu tư trồng cho 1 ha đất. Giá bán tại vườn hiện nay từ 16-30 ngàn đồng/cây, tùy cây lớn nhỏ. Bình quân 1 ha tầm vông cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Ông Hà Minh Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác tầm vông ấp Đông Phất cho biết: “Lợi ích của việc trồng tầm vông là không tốn công thu hoạch và vận chuyển. Cứ tới đợt là các đơn vị về mua, mình chỉ đếm cây tính tiền thôi nên có nhiều thời gian để làm việc khác. Anh em trong tổ rất phấn khởi”.
KHẢ NĂNG CHỊU HẠN TỐT
Cây tầm vông rất dễ trồng, vốn đầu tư thấp nên nhiều nông hộ có thể trồng được. Đặc biệt, đây là loại cây trồng chịu hạn tốt, không cần nước tưới, thích hợp với mọi loại đất, nhất là những vùng gò đồi, ven sông, suối và có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt khô hạn như ở Bình Phước. “Để có tầm vông thu hoạch đều, chỉ chọn bán những cây đủ độ tuổi, còn để lại nuôi măng. Khi được giá cũng không bán theo kiểu tận thu. Đây là cách giúp cây phát triển tốt” - ông Bồ Văn Tý, ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh cho biết.
“Với giá trị kinh tế không thua kém nhiều loại cây trồng khác, lại là mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ mạnh nên cây tầm vông đã mở ra cơ hội giảm nghèo ở các vùng nông thôn. Nhưng để giúp bà con phát triển cây tầm vông bền vững, các ngành liên quan cần có những khuyến cáo cần thiết, tránh tình trạng người dân trồng ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu”.
Chị Trịnh Thu Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh
Nhiều nông dân trồng tầm vông trong tỉnh cho biết, tầm vông không chỉ dễ trồng mà còn giữ đất tốt, chỉ tốn công làm cỏ trong 3 năm đầu. Khi cây đã khép tán cũng là lúc được thu hoạch. Theo kinh nghiệm, trước khi mùa mưa đến phải phát quang bụi rậm, đào xới quanh gốc và bón nhiều phân chuồng, phân NPK... cung cấp dưỡng chất cho măng phát triển. Nhờ bộ rễ đồ sộ nên tầm vông có sức sống mãnh liệt trên mọi chất đất. Ông Điểu Chức ở ấp Đông Phất, xã Thanh Bình chia sẻ: “Khi gắn bó với loại cây trồng này thì gắng chăm sóc bài bản. Mùa mưa chịu khó đến thăm vườn, còn mùa nắng thì thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy. Riêng việc bón phân phải đủ lượng, đúng thời gian”.
Hiện diện tích tầm vông trên địa bàn tỉnh khoảng 100 ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và thị xã Bình Long. Ngoài làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như bàn, ghế, trang trí nội thất, cây tầm vông còn được sử dụng để làm nhà ở tại các khu du lịch. Với giá trị kinh tế cao, lại là mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ mạnh nên cây tầm vông đã mở ra cơ hội giảm nghèo cho nhiều nông hộ trong tỉnh.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132514/trien-vong-tu-cay-tam-vong