Triển vọng từ mô hình nuôi chồn hương ở Lai Vung

Ít tốn công chăm sóc, mang hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với những nông hộ có diện tích sản xuất nhỏ, mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều nông dân ở huyện Lai Vung quan tâm. Mô hình này đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều gia đình ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung.

Năm 2022, nhận thấy một số nông dân ở trên địa bàn xã Định Hòa khá lên nhờ phát triển mô hình nuôi chồn hương, anh Lê Hữu Nghĩa (ngụ xã Định Hòa, huyện Lai Vung) xin cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã và bắt tay nuôi thử nghiệm 7 cặp chồn hương bố mẹ.

Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên chồn hương thường mắc nhiều bệnh về tiêu hóa, bệnh ngoài da và đặc biệt là tỷ lệ sinh sản chưa đạt như mong đợi. Sau đó, anh Nghĩa đến các trại chồn hương trong và ngoài tỉnh để học hỏi và nghiên cứu thêm tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Từ vốn kiến thức tích lũy, anh Nghĩa đúc kết cho mình nhiều bài học kinh nghiệm và bắt tay thiết kế lại chuồng trại phù hợp với tập tính sinh sống của chồn hương. Nhờ vậy mà chồn hương bắt đầu sinh sản và phát triển rất tốt.

Chuối chín là món ăn khoái khẩu của chồn hương

Chuối chín là món ăn khoái khẩu của chồn hương

Anh Lê Hữu Nghĩa chia sẻ: “Đặc tính của chồn hương là dễ ăn nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, để chồn hương ít bị bệnh, sinh sản tốt thì người nuôi cần lưu ý đến kỹ thuật xây dựng chuồng trại. Chuồng nuôi chồn hương cần được xây dựng ở nơi thông thoáng, mát mẻ, có ánh nắng chiếu vào và được vệ sinh hằng ngày, nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển mạnh khỏe của chồn hương. Đáng chú ý, để chồn hương không bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nguồn thức ăn đầu vào cũng cần phải đảm bảo sạch sẽ và an toàn...”.

Sau thời gian gắn bó và am hiểu về tập tính sinh trưởng và phát triển của chồn hương, năm 2023, anh Nghĩa mạnh dạn đầu tư thêm 6 cặp chồn hương bố mẹ giống lai, sở hữu đặc điểm ngoại hình dài đòn, to con để phối giống tạo ra đàn chồn hương hiện tại. Mô hình này góp phần giúp gia đình anh Lê Hữu Nghĩa và nhiều nông hộ khác tại địa phương tăng thu nhập.

Anh Lê Hữu Nghĩa cho biết: “Nuôi chồn hương là mô hình kinh tế có nhiều triển vọng phù hợp với các hộ gia đình có diện tích sản xuất nhỏ. Mô hình ít tốn công chăm sóc, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi. Cụ thể, tôi chỉ mất thời gian cho ăn và vệ sinh chuồng trại 1 lần vào cuối ngày, thời gian còn lại trong ngày, tôi vẫn có thể làm thêm các mô hình kinh tế khác. Nguồn thức ăn cho chồn hương rất phong phú và dễ tìm như: cá rô phi, chuối chín và một số loại trái cây có vị ngọt... nên rất thuận lợi cho người nuôi.

Theo anh Nghĩa, trung bình 1 cặp chồn hương bố mẹ mỗi năm sẽ sinh từ 1 - 2 lần, mỗi lần sinh từ 3 - 5 con. Chồn con sau khi nuôi từ 10 - 12 tháng, người nuôi sẽ tiến hành sàng lọc, chỉ giữ lại những cặp chồn giống đạt tiêu chuẩn tiếp tục cho sinh sản. Sau hơn 2 năm gắn bó với mô hình nuôi chồn hương, từ 13 cặp chồn bố mẹ ban đầu, hiện tổng đàn chồn hương của anh Lê Hữu Nghĩa lên gần 80 con. Hiện, anh Nghĩa đã xuất bán được 4 đợt chồn thương phẩm và chồn bố mẹ, với tổng doanh thu khoảng trên 150 triệu đồng. Theo anh Nghĩa, từ đây đến cuối năm, anh sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 50 cặp chồn bố mẹ và thương phẩm. Hiện tại, trung bình mỗi cặp chồn bố mẹ đạt chuẩn đang được bán tại trại khoảng từ 9 - 10 triệu đồng, riêng chồn hương thương phẩm có giá từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg.

Theo Hội Nông dân xã Định Hòa, huyện Lai Vung, thời gian qua, mô hình nuôi chồn hương của địa phương phát triển mạnh. Từ một vài hộ nuôi hiện toàn xã đã có hơn 10 hộ tham gia mô hình. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân học tập, trao đổi kinh nghiệm liên kết cung cấp chồn hương cho thị trường, tháng 8/2023, Tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương chính thức ra mắt với 11 thành viên.

Ông Nguyễn Văn Đô - Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa, cho biết: “Mô hình nuôi chồn hương được phát triển trong những năm gần đây ở xã Định Hòa. Bước đầu nhận thấy, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hiện Hội Nông dân xã cũng cơ cấu các thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương làm thành viên của Thanh Tâm Hội quán để cùng tham gia sinh hoạt và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi chồn hương cho các thành viên trong Hội quán. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hội viên tiếp cận, học tập kỹ thuật nuôi, nhân rộng mô hình để có thể cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập...

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/trien-vong-tu-mo-hinh-nuoi-chon-huong-o-lai-vung-125031.aspx