Triển vọng từ mô hình trồng bầu Nhật Bản
Sau hơn 1 năm xuất hiện ở Khánh Hòa, cây bầu Nhật Bản tỏ ra rất thích hợp và là một lựa chọn tốt trong quá trình chuyển đổi cây trồng của nông dân. Mô hình trồng bầu Nhật Bản ở xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa càng được kỳ vọng khi có sự phối hợp, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền và Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Cây trồng thích hợp
Năm 2020, Công ty TNHH Thực phẩm Capsi đã thuê một khoảnh đất ở khu vực xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang để trồng thử nghiệm cây bầu Nhật Bản. Tại đây, doanh nghiệp đã trồng 340 dây bầu trên diện tích hơn 300m2. Ông Paul Edward - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Capsi cho biết: “Kết quả thu về rất tốt, cây bầu Nhật Bản thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Khánh Hòa nên chỉ sau gần 2 tháng gieo trồng, cây đã bắt đầu cho trái. Cụ thể, mỗi dây có thể cho trái liên tục trong vòng 6 tháng. Tổng cộng một vòng đời, 1 dây bầu cho từ 8 đến 12 trái, mỗi trái nặng từ 9 đến 12kg. Không những đạt về năng suất, trong điều kiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng trái bầu to, tròn đều”.
Sau quá trình thử nghiệm, tháng 2-2021, Liên minh HTX tỉnh, Công ty TNHH Thực phẩm Capsi và UBND xã Ninh Hưng đã liên kết sản xuất giống bầu Nhật Bản trên địa bàn xã. Doanh nghiệp đã thuê 1.600m2 đất, gieo 1.600 dây bầu. Đến nay, cây phát triển tốt và bắt đầu ra hoa, đậu quả. Bà Nguyễn Thúy Lan - đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Capsi tại Khánh Hòa cho biết, sau khi thu hoạch bầu, doanh nghiệp sẽ chế biến bằng cách thái thành sợi dày 3mm, bản rộng 3cm, sau đó phơi khô rồi đóng gói, một phần bán ra thị trường trong nước, còn phần lớn xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc. Sợi bầu khô được dùng trong chế biến món ăn. Chẳng hạn ở Nhật Bản, sợi bầu được nấu với nước tương và đường, dùng cho món cơm cuộn sushi. Ở Việt Nam, sợi bầu có thể xào tỏi, kho thịt và nấu các món ăn chay.
Sẽ nhân rộng
Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, quá trình triển khai, mô hình đạt kết quả tốt; đơn vị đang làm cầu nối để doanh nghiệp chuyển giao quy trình, kỹ thuật canh tác và các thỏa thuận về thu mua sản phẩm cho nông dân, trước mắt là nông dân xã Ninh Hưng và các vùng lân cận. Doanh nghiệp đang xây dựng giá thu mua trái bầu tươi, dự kiến giá bán sợi bầu khô ở thị trường trong nước có thể lên tới 1 triệu đồng/kg. Các sản phẩm này phải đạt được các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ông Paul Edward cho biết: “Hiện nay, sản phẩm từ quả bầu Nhật Bản của công ty rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Đứng trước yêu cầu về việc mở rộng sản xuất và đáp ứng thị trường tiêu thụ, cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, điều chúng tôi tâm đắc đó là nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Liên minh HTX Khánh Hòa. Đặc biệt, nông dân nơi đây siêng năng, chịu khó, thông minh. Chúng tôi hy vọng mô hình sẽ không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng; đồng thời, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao toàn bộ quy trình, kỹ thuật đến nông dân”.
Ngày 13-5, trong chuyến tham quan mô hình do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng những thành công bước đầu của mô hình. Ông đề nghị Liên minh HTX tỉnh, UBND xã Ninh Hưng và doanh nghiệp đồng hành, khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong việc tìm hiểu, học hỏi, sớm làm chủ quy trình, kỹ thuật sản xuất, coi đây là một trong những lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cây trồng của địa phương.
Hồng Đăng